Vốn là loại quả dại đặc sản của núi rừng Tây Bắc, thời gian gần đây, quả mắc kham (còn gọi là me rừng, chùm ruột núi) đang tạo nên “cơn sốt”, được đông đảo người dân săn lùng, không ngại chi giá cao để mua loại trái cây này về thưởng thức.
Cây mắc kham thường mọc nhiều ở vùng núi rừng Tây Bắc
Quả mắc kham vốn được gọi theo tiếng của đồng bào dân tộc Nùng, Tày ở các tỉnh miền núi và nó cũng có một cái tên khác thông thuộc hơn là me rừng. Mắc kham thường mọc tự nhiên, phân bố ở khu vực đồi núi các tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang… và thường bắt đầu vào mùa từ tháng 9, tháng 10 hằng năm.
Quả mắc kham có hình tròn, màu xanh nhạt, vỏ cứng, trong ruột có 6 múi, có khía rất mờ. Khi chín quả, mắc kham ăn khá giòn. Ban đầu khi ăn, quả có vị chua chát, ăn lâu sẽ cảm thấy ngọt dần, thanh dịu.
Mắc kham được ví như một món quà mà thiên nhiên ban tặng, mang hương vị của núi rừng, hòa quyện đủ bốn vị chua, ngọt, chát, đắng. Cái hay và lạ của quả là chỉ cần ăn một vài quả, sau đó ăn hay uống bất cứ thứ gì cũng thấy ngon hơn, từ cốc nước lọc hay chén trà mạn cũng đều trở nên ngọt vị, dễ chịu.
Quả mắc kham tươi
Xuất phát từ các bài đăng trên mạng xã hội, từ loại quả dại ít giá trị đối với người dân các tỉnh miền núi, quả mắc kham bỗng trở thành thứ quà đặc biệt khiến nhiều người rủ nhau săn lùng trên mạng xã hội.
Chị Thu Ngà ở phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên là tiểu thương chuyên nhập bán các loại quả đặc sản vùng Tây Bắc cho biết: “Hiện tại, quả mắc kham đang vào mùa và trở nên rất hút khách. Trong 1 tuần trở lại đây, trung bình mỗi ngày, tôi đều nhập 100 kg mắc kham từ Cao Bằng về bán. Với giá bán từ 60.000 đồng/kg, hàng về đến đâu là bán hết đến đó, thậm chí nếu muốn đặt hàng, khách phải hẹn từ hôm trước”.
Chị Trâm Anh - một đầu mối bán mắc kham rừng ở thành phố Vĩnh Yên chia sẻ: “Quả mắc kham từ trước đến nay vẫn được nhập về các cửa hàng thuốc Nam để làm vị thuốc, nhưng chủ yếu là mắc kham khô với giá thành đắt đỏ.
Ngoài bán mắc kham tươi, tôi còn bán thêm mắc kham ướp chua ngọt và được nhiều người chọn mua. Riêng mắc kham ướp sẵn do mất công nên giá đắt hơn, khoảng 40.000 đồng/hộp 500 gam. Không tính bán lượng quả tươi, chỉ tính bán lượng quả mắc kham ướp sẵn, mỗi ngày nhà tôi bán hết một mẻ khoảng 20 kg”.
Mắc kham ướp chua ngọt được nhiều người yêu thích
Tò mò về loại quả mắc kham đang gây sốt trên mạng xã hội, chị Nguyễn Thị Dung ở phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên đã đặt qua qua mạng 2 kg mắc kham về ăn thử. Chị Dung chia sẻ: “Lần đầu ăn quả mắc kham tôi đã cảm thấy rất thú vị nên đã lên mạng xã hội tham khảo cách chế biến của mọi người. Sau khi rửa sạch quả, đập dập, bỏ hạt rồi dầm cùng muối ớt, tôi ăn mãi không biết chán. Mắc kham có vị chua chát, nhưng không gây xót bụng, sau khi ăn xong lại thấy ngọt ngọt ở họng. Tôi còn nghe nói quả này là một vị thuốc tốt cho sức khỏe nên càng thích ăn hơn”.
Theo y học cổ truyền, mắc kham được sử dụng rất nhiều trong các bài thuốc và được biết đến như một vị thuốc nhiều hơn là một loại quả ăn vặt. Trong quả chứa hàm lượng vitamin C rất cao, có tác dụng giải nhiệt, tiêu viêm tốt. Ngoài ra, người dân vùng cao thường muối mắc kham như ô mai để ngậm, chữa ho rất tốt.
Về cách bảo quản quả mắc kham, theo người bán hàng cho biết, nếu để quả trong ngăn mát tủ lạnh có thể ăn trong nhiều ngày, còn nếu muốn để lâu hơn thì cất trữ trong ngăn cấp đông, khi muốn ăn chỉ cần bỏ ra rã đông và vẫn đảm bảo giòn ngon như quả tươi.
Còn mắc kham ướp đóng hộp, mua về bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, người dùng cũng có thể sử dụng cả tuần. Bởi vậy, tranh thủ vào mùa mắc kham, nhiều người thường đặt mua vài cân một cho tới cả yến mắc kham về dùng dần.
Bài, ảnh: Thảo My