Ở thôn Hạ Ích, xã Đồng Ích (Lập Thạch), nuôi rắn không phải là mô hình kinh tế mới, nhưng gia đình ông Trần Đức Hùng lại là một trong những người tiên phong vươn lên thoát nghèo, làm giàu thành công từ mô hình này.
Gia đình ông Trần Đức Hùng là một trong những hộ tiên phong vươn lên thoát nghèo, làm giàu thành công từ nghề nuôi rắn ở xã Đồng Ích (Lập Thạch).
Nuôi rắn hổ mang phì, công việc nghe đã thấy nguy hiểm nhưng lại trở thành một nghề đem lại thu nhập cao cho gia đình ông Trần Đức Hùng từ nhiều năm nay.
Trước đây, gia đình ông Hùng chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nghiệp nhưng do thiếu vốn, cách thức làm ăn còn manh mún nên cuộc sống gia đình luôn trong tình trạng thiếu trước, hụt sau.
Năm 2008, ông Hùng được người thân tặng 50 con rắn hổ mang phì để nuôi thử. Qua tìm hiểu, ông Hùng biết dù đây là một trong những loài rắn nguy hiểm nhưng lại có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi, dễ tiêu thụ nên ông quyết học cách nuôi rắn với mong muốn thoát nghèo.
Thời gian đầu nuôi thí điểm, ông tận dụng chuồng nuôi lợn cũ để thả lan đàn rắn trong chuồng, con đực, con cái chung sống lẫn lộn. Sau một thời gian nuôi, đàn rắn cắn xé lẫn nhau dẫn đến bị hao hụt đàn.
Thấy ông "mất ăn mất ngủ" vì nuôi rắn, đã có lúc vợ ông Hùng khuyên ông bán số rắn còn lại rồi chuyển sang làm nghề khác, bởi nghề này vừa nguy hiểm lại vừa vất vả, không khéo "mất cả chì lẫn chài". Những lúc như vậy, ông không nản chí mà còn động viên vợ, nghề nào cũng là nghề, miễn chăm chỉ chịu khó, rồi sẽ thành công.
Với quyết tâm không bỏ cuộc, không quản ngày đêm, ông cặm cụi trong chuồng nuôi rắn tìm hiểm nguyên nhân và cách thức chăm sóc. Qua tìm hiểu kiến thức, thông tin trên mạng Internet và học theo cách những người nuôi rắn tại xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường) hướng dẫn, ông điều chỉnh lại cách thức chăm sóc đàn rắn khoa học, hợp lý hơn.
Cùng đó, ông Hùng xây dựng khu chuồng nuôi, phân chia theo từng ô nhỏ, có nắp đậy bằng lưới mắt cáo và được bỏ thêm đất khô để cho rắn vệ sinh, tránh lây lan dịch bệnh.
Sau khi điều chỉnh lại quy trình chăm sóc, chăn nuôi, đàn rắn của gia đình ông bắt đầu sinh trưởng, phát triển tốt. Trong 1 năm, rắn con sau khi ấp nở, nhờ chăm sóc đúng cách đạt trọng lượng từ 2 - 3 kg/con, giá thu mua thương phẩm từ 500 - 600 nghìn đồng/kg.
Đàn rắn sinh sản nhiều nên vợ chồng ông Hùng bàn bạc một phần để nuôi bán thương phẩm cho thương lái, phần trứng rắn còn lại bán cho người dân xunh quanh vùng có nhu cầu phát triển mô hình để cùng nuôi.
Đến nay, đàn rắn của gia đình ông lên tới 600 con, chuồng trại chăn nuôi xây dựng bài bản, kiên cố với diện tích 150m2 gồm 700 ô. Mỗi năm gia đình ông Hùng xuất bán 1 đợt trứng rắn với giá 50 nghìn đồng/quả và 1 đợt rắn thương phẩm với giá 500 nghìn đồng/kg, thị trường tiêu thụ chủ yếu là các nhà hàng trong và ngoài tỉnh, đem lại thu nhập ổn định khoảng 350 triệu đồng/năm.
Tiếng lành đồn xa, mô hình nuôi rắn hổ mang phì của gia đình ông ngày càng được người dân trong, ngoài vùng biết và tìm đến học hỏi.
Trên đường đưa chúng tôi đến thăm quan khu chuồng nuôi, ông Hùng cho biết: “Qua quá trình nuôi rắn tôi nhận thấy, đây là mô hình chăn nuôi phù hợp với những người không có nhiều thời gian chăm sóc vật nuôi mà vẫn đem về nguồn thu nhập tốt. Bởi, nuôi rắn ít tiêu tốn thức ăn, công việc vệ sinh đơn giản, chỉ cần chú trọng việc cho ăn hợp lý để rắn khỏe mạnh, chờ đến lúc đạt trọng lượng là có thể xuất bán”.
Mô hình nuôi rắn của gia đình ông Hùng tuy chưa phải là quy mô nhất tại xã Đồng Ích, nhưng nghe ông trải lòng về quá trình vươn lên từ nghề, chúng tôi thật sự nể phục sự táo bạo, ý chí không cam chịu đói nghèo và nghị lực vươn lên làm giàu của ông.
Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Ích Triệu Đức Cảnh cho biết: Hiện nay, tại địa phương có hàng chục hộ phát triển mô hình nuôi rắn và đều đạt hiệu quả rất khá. Trong đó, gia đình ông Hùng là một trong những hộ thành công điển hình.
Không chỉ chịu khó, năng động, sáng tạo, cần cù trong lao động, vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình, ông Hùng còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp con giống cũng như bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con nông dân trong xã.
Bài, ảnh: Ngọc Lan