Gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, thời điểm này, các làng nghề, nhất là làng nghề mộc đang tất bật chuẩn bị các đơn hàng, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ của người dân mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Xưởng mộc của gia đình anh Dương Văn Trường, thị trấn Yên Lạc xuất bán hàng nghìn sản phẩm đồ gỗ các loại dịp cuối năm. Ảnh: Thế Hùng
Với gần 4.000 hộ dân, hiện nay, thị trấn Thanh Lãng (Bình Xuyên) có gần 900 hộ làm nghề mộc, tập trung ở 3 làng Xuân Lãng, Yên Lan và Hợp Lễ. Bên cạnh đó, thị trấn còn có gần 20 doanh nghiệp chuyên kinh doanh, chế biến gỗ nguyên liệu, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Có mặt tại làng nghề mộc truyền thống Thanh Lãng những ngày này, các hộ dân, cơ sở sản xuất đồ gỗ đang tất bật, nhộn nhịp từ sáng sớm tới tối khuya.
Anh Lưu Văn Thắng, hộ chuyên sản xuất giường, tủ, bàn ghế chia sẻ: Năm nào cũng vậy, từ tháng 9, 10 (âm lịch), đơn hàng bắt đầu tăng, bởi người dân có nhu cầu mua sắm, trang hoàng nhà cửa dịp cuối năm. Hiện, đơn hàng của gia đình tôi đã tăng 1,5 lần so với ngày thường. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, gia đình tôi đã chủ động nhập nguyên vật liệu, liên kết với các hộ dân trong và ngoài xã thực hiện gia công các công đoạn, hoàn thiện sản phẩm.
Nghề mộc Thanh Lãng có lịch sử hàng trăm năm nay - nghề cha truyền con nối. Để thương hiệu mộc Thanh Lãng được giữ vững và tiếp tục vươn xa, thị trấn đã được quy hoạch và xây dựng cụm công nghiệp làng nghề mộc Thanh Lãng, đến nay tỷ lệ lấp đầy đạt gần 60%.
Cùng với đó, địa phương tích cực phối hợp với đơn vị chức năng tạo điều kiện cho các hộ dân làm nghề tiếp cận với các nguồn vốn, chính sách ưu đãi; mở các lớp đào tạo, nâng cao tay nghề; tham gia các hội chợ, triển lãm trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Những năm gần đây, thu nhập từ nghề mộc ở Thanh Lãng đạt 300 - 400 tỷ đồng/năm, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn.
Tại thị trấn Yên Lạc, cả tháng nay, các hộ dân, cơ sở sản xuất đồ gỗ đã tất bật, nhộn nhịp chuẩn bị nguồn nguyên liệu, sản xuất các đơn hàng, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ của người dân trong dịp Tết.
Anh Ngô Văn Thao, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Trung Hiếu - chuyên trang trí nội thất, sản xuất đồ gỗ nội thất cho biết: Đầu tháng 10 (âm lịch), đơn hàng Tết bắt đầu tăng cao hơn so với ngày thường. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, công ty chủ động chuẩn bị nguồn nguyên liệu, mua sắm thêm máy móc, tăng ca, tăng giờ và tuyển dụng một số lao động thời vụ. Hiện, công ty tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 20 lao động. Dịp Tết, trung bình mỗi tháng, công ty xuất bán hàng nghìn sản phẩm, tăng gần gấp đôi so với ngày thường.
Thị trấn Yên Lạc hiện có 4 làng nghề mộc truyền thống cấp tỉnh gồm Vĩnh Tiên, Vĩnh Đoài, Vĩnh Trung và Vĩnh Đông với gần 850 hộ, cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, thu nhập bình quân đạt 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Trải qua thăng trầm của thời gian, các thế hệ người dân nơi đây không những duy trì được nghề truyền thống của cha ông mà còn mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, đa dạng hóa mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Vì thế, đồ mộc thị trấn Yên Lạc từ lâu đã được người tiêu dùng đánh giá cao cả về chất lượng cũng như độ tinh xảo và tính thẩm mỹ.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lạc Nghiêm Xuân Thiết cho biết: Những ngày này, làng nghề mộc truyền thống thị trấn Yên Lạc cũng đang tất bật chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường Tết. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, cộng giá nguyên vật liệu tăng cao, nhu cầu tiêu dùng giảm nên đơn hàng Tết năm nay của làng nghề không ồ ạt như mọi năm.
Góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy làng nghề truyền thống có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, năm 2011, thị trấn đã được quy hoạch, xây dựng cụm làng nghề với tổng diện tích 2,2 ha, hiện tỷ lệ lấp đầy đạt 100%.
Thời gian tới, rất mong các cấp, ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ hơn nữa để các hộ, cơ sở sản xuất tại làng nghề có cơ hội tiếp cận với các máy móc hiện đại, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đặc biệt giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 28 làng nghề, trong đó có 20 làng nghề truyền thống với gần 10 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đối với làng nghề mộc, dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình duy trì và phát triển nghề, song các hộ dân, cơ sở sản xuất vẫn tích cực đầu tư máy móc hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Hồng Tính