Với sự bùng nổ của các loại hình thương mại điện tử hiện nay thì việc mua sắm tại các chợ truyền thống đã không còn được nhiều người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Tuy nhiên, trên thực tế, chợ truyền thống vẫn là kênh phân phối bán buôn, bán lẻ, giữ vị trí quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa đối với nhiều sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của các địa phương.
Trước sự cạnh tranh khốc liệt của các loại hình thương mại điện tử, ngày nay, các chợ truyền thống chủ yếu thiên về chức năng bán lẻ và có quy mô nhỏ, chưa có nhiều chợ đầu mối bán buôn, thu gom và phân luồng hàng hóa. Hoạt động của hệ thống chợ truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, công tác quản lý, khai thác vẫn còn nhiều bất cập.
Chợ Tổng, phường Liên Bảo (Vĩnh Yên) được đưa vào sử dụng năm 2003 với quy mô 178 gian hàng nhưng chỉ có 146 hộ kinh doanh. Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, do công tác quản lý bị buông lỏng nên nhiều công trình đã xuống cấp. Do chợ Tổng không được đầu tư từ ngân sách Nhà nước và đã bán cho người dân toàn quyền sử dụng, đến nay chưa hết thời hạn nên việc sửa chữa gặp nhiều khó khăn.
Chợ Phúc Yên được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ những năm 1990 với hơn 600 ki ốt và đến nay đều xuống cấp nghiêm trọng. Cùng với đó, hệ thống sân, đường nội bộ của chợ có diện tích nhỏ hẹp; nền chợ nhiều chỗ bong tróc nên xảy ra tình trạng nước đọng lâu ngày, gây ô nhiễm môi trường, khiến việc giao thương của người dân gặp nhiều trở ngại.
Mặc dù mới được đầu tư năm 2018 với quy mô 1.100 điểm kinh doanh, nhưng việc quản lý, vận hành và kinh doanh tại chợ Vĩnh Yên cũng không mấy khả quan. Hiện nay, Ban Quản lý chợ Vĩnh Yên mới ký hợp đồng với 450 hộ thuộc diện phải ký hợp đồng kinh doanh tại chợ và thông báo thu hồi 263 điểm kinh doanh do các tiểu thương không còn kinh doanh.
Các hoạt động kinh doanh chủ yếu diễn ra ở khu chợ ướt với các mặt hàng lương thực, thực phẩm; còn khu chợ chính lại khá trầm lắng, nhiều tiểu thương đã phải ra ngoài thuê, mua mặt bằng khác để tiếp tục kinh doanh...
Các tiểu thương chợ Vĩnh Yên sử dụng mã QR, đáp ứng nhu cầu của người dân, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ truyền thống. Ảnh: Chu Kiều
Trên địa bàn tỉnh hiện có 1 chợ đầu mối và 81 chợ truyền thống, trong đó có 3 chợ hạng I, 8 chợ hạng II và 70 chợ hạng III. Giai đoạn 2011 - 2020, ngân sách tỉnh đã hỗ trợ đầu tư xây mới, nâng cấp cải tạo 63 chợ nông thôn theo Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh.
Nhờ đó, mạng lưới chợ tại khu vực nông thôn được khang trang hơn, bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường và vệ sinh thực phẩm, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân.
Để thúc đẩy chợ truyền thống phát triển thì việc nâng cao công tác quản lý chợ hiện nay hết sức cấp thiết, nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH của địa phương.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60 về phát triển và quản lý chợ với nhiều điểm mới, như cho phép các địa phương chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư hoặc hỗ trợ vốn đầu tư phát triển chợ trên địa bàn. Khuyến khích xã hội hóa nhằm huy động và đa dạng hóa nguồn lực để duy trì, phát triển, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ; bổ sung nghĩa vụ của chủ đầu tư xây dựng chợ… thay vì ban quản lý như trước đây.
Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Nghị định số 60 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 178 để triển khai phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Kế hoạch đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như phân loại chợ, thẩm quyền của UBND tỉnh; đầu tư xây dựng chợ; tổ chức quản lý chợ và hoạt động kinh doanh tại chợ; quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư, quản lý.
UBND tỉnh giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền và tập huấn các nội dung về phát triển và quản lý chợ trên địa bàn.
Cùng với đó, phân cấp quản lý chợ cho cấp huyện, cấp xã phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; trách nhiệm của UBND các cấp trong việc xóa bỏ điểm kinh doanh tự phát; quy trình chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác và hướng dẫn nội quy áp dụng cho các chợ.
Không thể phủ định chợ truyền thống vẫn là kênh mua sắm thuận tiện, không thể tách rời với kênh mua sắm hiện đại hiện nay. Bởi vậy, bên cạnh sự hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền, ngành chức năng, các tiểu thương kinh doanh tại chợ truyền thống cũng cần thích ứng để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Nhạy bén nắm bắt xu hướng tiêu dùng, ứng dụng công nghệ số để tiếp cận khách hàng, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Trong đó, cần phát huy lợi thế về sự tương tác, trải nghiệm chất lượng sản phẩm thực tế của khách hàng.
Bên cạnh đó, đồng thuận cùng các cấp chính quyền trong việc đầu tư cải tạo, phát triển chợ ngày càng khang trang, sạch đẹp, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu của người dân, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.
Thành An