Đến hết tháng 6/2023, khối lượng giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đạt 2.878 tỷ đồng. Kết quả mặc dù cao hơn so với cùng kỳ năm 2022, song chỉ đạt 37,4% kế hoạch được giao. Để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vừa qua, UBND tỉnh đã đề ra các nhóm giải pháp chính, xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị liên quan trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời, ban hành Kế hoạch số 184 về giải quyết tồn đọng, chậm quyết toán vốn đầu tư các dự án đầu tư công cấp tỉnh giai đoạn 2015 - 2022, làm cơ sở tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Với nỗ lực trong công tác thi công của chủ đầu tư và nhà thầu, dự án xây dựng cầu Vĩnh Phú, kết nối xã Đức Bác (Sông Lô) với phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) đang trong giai đoạn hoàn tất, vượt tiến độ giải ngân vốn đầu tư công so với kế hoạch đề ra. Ảnh: Nguyễn Lượng
Đến hết tháng 6/2023, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đạt hơn 2.878 tỷ đồng, đạt 37,4% kế hoạch được Trung ương giao. Trong đó, đến hết tháng 5/2023, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp tỉnh đạt cao nhất là 46,3%, thấp nhất là 24,8%; đối với các huyện, thành phố, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao nhất là 52%, thấp nhất dưới 20% kế hoạch được giao.
Tổng hợp thông tin từ các sở, ngành, địa phương, có 6 nguyên nhân chính dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công là khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT - GPMB) thực hiện dự án; công tác chuẩn bị đầu tư của nhiều dự án chậm; một số dự án đầu tư công phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện; một số dự án được bố trí từ nguồn thu sử dụng đất do trung ương giao nhưng chưa thu được tiền đất; nhiều dự án chậm quyết toán khi đã hoàn thành do chủ đầu tư chưa lập được hồ sơ để trình thẩm tra, phê duyệt quyết toán theo quy định; sự vào cuộc của các đơn vị liên quan trong thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công chưa quyết liệt, công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư chưa chặt chẽ, kịp thời, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện.
Là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh vượt tiến độ thời gian thi công, hiện nay, dự án thi công cầu Vĩnh Phú, kết nối xã Đức Bác (Sông Lô) với phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) đang trong giai đoạn hoàn tất và thông xe kỹ thuật.
Ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh, đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án cầu Vĩnh Phú cho biết: “Để đảm bảo tiến độ thi công công trình, chủ đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với nhà thầu trong việc huy động nguồn lực, kiểm tra giám sát tiến độ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công.
Xác định GPMB là vấn đề khó, ngay trước khi khởi công công trình, Ban quản lý dự án đã phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận đối với người dân.
Về phía xã Đức Bác, 100% các hộ dân đều đồng thuận thu hồi 2.000 m2 đất nằm trong chỉ giới dự án, thúc đẩy quá trình thi công đường dẫn phía 2 đầu cầu. Trong quá trình thi công, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, chủ đầu tư thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở nhà thầu đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định, bố trí chỗ sinh hoạt cho công nhân, đảm bảo nguồn nhân lực, đồng thời, đặt hàng sớm vật liệu xây dựng để đảm bảo nguồn cung.
Trong giai đoạn hoàn thiện, liên danh nhà thầu đang huy động khoảng 40 công nhân, chia làm nhiều mũi, dốc toàn lực hoàn thành các hạng mục hệ thống điện chiếu sáng, lắp đặt rào chắn và hệ thống dây văng… đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, thẩm mĩ theo quy định.
Dự kiến trong tháng 7/2023, dự án sẽ hoàn tất, cho thông xe kỹ thuật và đưa vào bàn giao sử dụng, vượt 5 tháng so với tiến độ thi công theo kế hoạch”.
Với mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 95% kế hoạch trở lên vốn được giao, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư thực hiện 7 nhóm giải pháp chính gồm đề ra giải pháp triển khai, thường xuyên cập nhật kế hoạch giải ngân từng dự án cụ thể, kịp thời khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kế hoạch đầu tư công; khẩn trương hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2023 theo quy định.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấp hành nghiêm các quy định trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, xây dựng, thanh toán vốn các dự án; nâng cao chất lượng lập hồ sơ thủ tục chuẩn bị đầu tư; tăng cường công tác phối hợp, ưu tiên nguồn lực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ GPMB cho các dự án.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý nghiêm vi phạm, tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo chất lượng các công trình; tăng cường công tác nghiệm thu dự án theo từng giai đoạn để giải ngân vốn kịp thời khi có khối lượng hoàn thành.
Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, chỉ rõ nguyên nhân chậm giải ngân và đề xuất giải pháp tháo gỡ, trường hợp không đảm bảo tiến độ giải ngân phải đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn cho các dự án khác có nhu cầu.
Đối với việc chậm thanh, quyết toán các dự án khi đã hoàn thành, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 184 về giải quyết tồn đọng, chậm quyết toán vốn đầu tư các dự án đầu tư công cấp tỉnh đã hoàn thành giai đoạn 2015 - 2022, trong đó nêu rõ: Đưa công tác thực hiện quyết toán dự án hoàn thành là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị, làm cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cá nhân, tập thể liên quan; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết tồn đọng, vướng mắc trong công tác quyết toán dự án hoàn thành; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quyết toán vốn đầu tư công; xác định rõ nguyên nhân chậm lập quyết toán, lãm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong việc quyết toán các dự án đã hoàn thành.
Hoàng Sơn