Thực hiện chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa là quan điểm nhất quán của Đảng đã và đang được các cấp chính quyền trong tỉnh cụ thể hóa bằng những cách làm sáng tạo và giải pháp cụ thể. Từ đó góp phần khai thác hiệu quả sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế, hướng đến mục tiêu cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.
Vĩnh Phúc ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho thành phần kinh tế tư nhân phát triển bình đẳng, minh bạch.
Thực hiện chính sách nhất quán và lâu dài phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, Đảng ta thống nhất hoạch định phương hướng phát triển nền kinh tế có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế gồm kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cả nước thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn mới, tỉnh đã xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế hoạt động bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh như Nghị quyết số 57 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Đề án thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh đến năm 2030; Đề án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025…
Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí gia nhập thị trường; ứng dụng mạng internet trong giải quyết các thủ tục, giấy tờ liên quan khác đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp, góp phần bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch.
Tăng cường chuyển đổi số đối với các thành phần kinh tế trên tất cả các ngành, lĩnh vực để nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh, góp phần quan trọng định hướng cho sự phát triển lâu dài của tỉnh trong giai đoạn mới.
Những thiết bị IoT, Smarthome do Công ty cổ phần Lumi Việt Nam tại khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc sản xuất không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.
Đến nay, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển KT-XH.
Giai đoạn 2011-2021, các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh tạo việc làm cho khoảng 2,9 triệu lao động, góp phần ổn định thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội.
Riêng 9 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đạt hơn 37.340 tỷ đồng, tăng 5,02% so với cùng kỳ và tăng trưởng ở cả 3 khu vực gồm khu vực Nhà nước, khu vực ngoài Nhà nước và khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Thời gian qua, tỉnh luôn chú trọng ban hành, triển khai các cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển.
Đồng thời khuyến khích và hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng suất lao động.
Theo đó, khu vực doanh nghiệp tư nhân có tốc độ tăng bình quân số doanh nghiệp đạt 17,9%/năm giai đoạn 2016 - 2020, cao hơn nhiều mức bình quân 7%/năm của vùng đồng bằng sông Hồng.
Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 15.956 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 281.575 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỷ trọng kinh tế tư nhân trong GRDP đạt hơn 31%, đóng góp 1,46 điểm phần trăm vào tỷ lệ tăng trưởng KT - XH chung của tỉnh.
Dự kiến đến hết năm 2024, toàn tỉnh có hơn 1.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký ước trên 12,5 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động.
Trên cơ sở định vị tầm nhìn, với mục tiêu tạo thuận lợi cho các khu vực kinh tế phát triển, tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt và hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh rà soát văn bản nhằm bãi bỏ các rào cản, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh.
Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, thu hút làn sóng đầu tư mới có chất lượng nhằm phát huy lợi thế và tăng cường năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tiếp cận công nghệ, tín dụng, đất đai; đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; các chính sách hỗ trợ liên quan đến đất đai, quy hoạch…
Khuyến khích, hỗ trợ các hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp. Triển khai Kế hoạch hoàn thiện và nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới, hiệu quả trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Quyết định của UBND tỉnh quy định một số nội dung hỗ trợ cho các mô hình hợp tác xã thí điểm trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường chuyển đổi mô hình hoạt động các hợp tác xã theo đúng Luật Hợp tác xã. Hỗ trợ, hướng dẫn để phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hộ hoạt động hiệu quả thông qua việc hình thành các mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp, gắn kết giữa người nông dân với doanh nghiệp…
Bài, ảnh: Ngọc Lan