Nước sạch là vấn đề được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp quan tâm tại hội nghị Phát triển bền vững khu công nghiệp (KCN) mới được tỉnh tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua, bởi nguồn nước sạch có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất, nhất là với các ngành công nghiệp công nghệ cao. Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất công nghiệp, tỉnh yêu cầu các công ty cấp nước chủ động đầu tư mở rộng mạng lưới phục vụ sản xuất công nghiệp.
Công ty cổ phần nước sạch Vĩnh Phúc tích cực đổi mới công nghệ vận hành, quản lý, giảm thất thoát, nâng cao hiệu quả cấp nước.
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phát triển 24 KCN với tổng diện tích 4.815 ha.
Hiện, toàn tỉnh có 8 KCN đi vào hoạt động, với hơn 1.300 nhà đầu tư FDI, DDI, song mới có hơn 330 doanh nghiệp (DN) thứ cấp đang hoạt động tại các KCN sử dụng nước sạch từ các công ty cấp nước.
Qua đó cho thấy, dư địa phát triển đối với các đơn vị cấp nước còn rất lớn, nhu cầu về sử dụng nước sạch sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới. Nhất là khi tỉnh ưu tiên thu hút phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn như chế biến, chế tạo, linh kiện điện tử, bán dẫn, thực phẩm, nông nghiệp công nghệ cao… khi đó nguồn nước sạch còn trực tiếp tham gia quá trình sản xuất các sản phẩm công nghiệp.
Nguồn nước phục vụ sản xuất công nghiệp của tỉnh chủ yếu được cấp từ Công ty cổ phần Cấp thoát nước số I Vĩnh Phúc và Công ty cổ phần nước sạch Vĩnh Phúc. Ngoài ra, các dự án cấp nước của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng cấp nước Vĩnh Phúc tại huyện Sông Lô, Công ty cổ phần xây dựng Procons tại khu vực phía Nam tỉnh mới bắt đầu đi vào hoạt động.
Các đơn vị cấp nước hiện đáp ứng đủ nhu cầu của các doanh nghiệp, song công suất của nhiều nhà máy đã ở mức tối đa, để có thể nâng công suất trong ngắn hạn là điều khó thực hiện.
Đầu tháng 9/2024, do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi), mực nước sông Lô, sông Hồng dâng cao kỷ lục, khiến một số trạm bơm nước thô bị ngừng hoạt động, công suất cấp nước toàn hệ thống sụt giảm mạnh.
Dù chỉ mất 3 ngày để khắc phục toàn hệ thống, cấp nước ổn định cho sản xuất, song đây là vấn đề cần sớm có phương án giải quyết, khi vai trò của nguồn nước sạch trong sản xuất công nghiệp luôn rất quan trọng, có thể làm gián đoạn hoạt động sản xuất của nhiều doanh nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.
Tìm hiểu tại Công ty cổ phần Cấp thoát nước số I Vĩnh Phúc, đơn vị đang cấp nước cho các KCN Khai Quang, Thăng Long Vĩnh Phúc, Bình Xuyên II, Bá Thiện I, Bá Thiện II phân khu 2, hiện công ty có 5 nhà máy khai thác nước mặt và nước ngầm với tổng công suất thiết kế 56.100 m3/ngày đêm, công suất vận hành thực tế trung bình đạt 47.100 m3/ngày đêm, cung cấp nước cho gần 47.800 khách hàng cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn 8 huyện, thành phố trong tỉnh, trong đó có 116 khách hàng công nghiệp, sử dụng 26,8% sản lượng.
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước số I Vĩnh Phúc Trần Duy Thập cho biết: Hiện nay, một số nhà máy chính như Việt Xuân, Vĩnh Yên, Lập Thạch cơ bản đã đạt công suất vận hành tối đa.
Nhu cầu sử dụng nước sạch sẽ tăng mạnh khi các nhà đầu tư đưa các khu công nghiệp mới đi vào hoạt động trong những năm tới.
Trước mắt, công ty bổ sung các tuyến ống để kết nối nhà máy nước còn dư công suất để kết nối liên thông với nhau, bổ sung nguồn nước từ nhà máy nước Yên Lạc cho khu vực thành phố Vĩnh Yên. Tranh thủ sự hỗ trợ từ nhà máy nước Tam Dương của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng cấp nước Vĩnh Phúc; nhà máy nước Bá Hiến của Công ty Setfil.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai, đơn vị sẽ nâng công suất nhà máy nước Việt Xuân từ 32.000 m3/ngày đêm lên 64.000 m3/ngày đêm trong năm 2025, đến cuối năm 2030 tăng lên 150.000 m3/ngày đêm.
Để đầu tư, mở rộng mạng lưới cấp nước, đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp, giai đoạn 2019 - 2024, Công ty cổ phần Cấp thoát nước số I Vĩnh Phúc đã đầu tư cải tạo, thay thế hàng chục tuyến ống cấp 3 trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên và các huyện Tam Dương, Tam Đảo, Bình Xuyên.
Phát triển mở rộng thêm tuyến ống mới tại các KCN, đô thị, khu dân cư trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, các huyện Tam Dương, Sông Lô, Bình Xuyên, Tam Đảo với tổng giá trị đầu tư gần 135 tỷ đồng; góp vốn đầu tư liên kết với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng cấp nước Vĩnh Phúc 19 tỷ đồng.
Ông Ngô Trường Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần nước sạch Vĩnh Phúc chia sẻ: Hướng đến sự phát triển bền vững, đơn vị dần chuyển đổi nguồn nước thô từ nước ngầm sang nước mặt, tuy nhiên, việc tìm địa điểm khai thác nguồn nước thô hiện gặp rất nhiều khó khăn.
Trong khi đó, Vĩnh Phúc là tỉnh có nhiều hồ treo có trữ lượng nước lớn, có hệ thống sông ngòi đa dạng, chất lượng nguồn nước được đánh giá cao, nếu được quy hoạch, tạo cơ chế chính sách ưu đãi, các công ty cấp nước sẽ có điều kiện để xây dựng hệ thống cấp nước đảm bảo các tiêu chuẩn cao nhất, cung cấp nguồn nước ổn định cho hoạt động sản xuất công nghiệp trong tương lai.
Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất công nghiệp, tỉnh cần có những cơ chế thông thoáng hơn, tạo thuận lợi cho các đơn vị cấp nước sạch đẩy nhanh quá trình mở rộng mạng lưới cấp nước, nâng cấp công suất cấp nước, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh trong tương lai.
Bài, ảnh: Chu Kiều