Dự báo nền kinh tế nói chung, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp (DN) nói riêng sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Song, với sự quan tâm, tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN ổn định và phát triển sản xuất của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực vượt khó của cộng đồng DN, kỳ vọng ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ có sự bứt phá.
Hạ tầng của khu công nghiệp Bá Thiện 2 được đầu tư và phát triển đồng bộ hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Hồng Tính
Quý I/2023, chỉ số toàn ngành công nghiệp (IIP) của tỉnh ước giảm 7,98% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm sau 4 năm liên tiếp đạt mức tăng.
Nguyên nhân của sự sụt giảm trên là do thời gian qua, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, nhất là diễn biến xung đột quân sự Nga - Ucraina và phản ứng của các nước; lạm phát tuy đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Cùng với đó là chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt, tiêu dùng và các hoạt động kinh tế tiếp tục suy giảm, nhiều nền kinh tế tăng trưởng thấp. Trước bối cảnh đó, kinh tế của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh có quy mô công nghiệp lớn tại Việt Nam, do đó sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của tỉnh.
Việc giảm nhu cầu tiêu dùng và tăng lượng hàng tồn kho gây nên áp lực cho các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, đây là nguyên nhân chính gây ra sự suy giảm tăng trưởng kinh tế trong quý I của tỉnh; thách thức lớn đối với lĩnh vực sản xuất các sản phẩm xuất khẩu, nhất là sản xuất sản phẩm điện tử, sản xuất ô tô, xe máy trên địa bàn tỉnh.
Sang tháng 4/2023, sản xuất công nghiệp tuy có khởi sắc hơn so với tháng trước nhưng vẫn gặp khó khăn, nhất là ở một số ngành có vai trò quan trọng trong việc thúc đầy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động như sản xuất trang phục, linh kiện điện tử, ô tô, xe máy.
Uớc tính sản lượng sản xuất của một số sản phẩm như gạch ốp lát, xe ô tô các loại, xe máy đều giảm so cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, sản lượng thức ăn gia súc, giày thể thao và doanh thu dịch vụ sản xuất linh kiện điện tử tăng. Chỉ số sử dụng lao động của các DN công nghiệp trên địa bàn tăng 2,66% so với tháng trước và tăng 6,56% so với cùng kỳ. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,06% so với tháng trước.
Dù mới đi vào hoạt động năm 2017 với lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính là sản xuất, gia công các loại camera, các thiết bị hình ảnh kỹ thuật số song năm 2022, Công ty Cổ phần điện tử Thiên Quang (KCN Bình Xuyên) đã xuất khẩu 1,5 triệu sản phẩm, doanh thu đạt trên 800 tỷ đồng.
Đại diện công ty cho biết: Năm 2023, công ty dự kiến có mức tăng trưởng cao hơn khoảng 20% so với năm 2022 với tổng doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng. Công ty sẽ không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm, mở rộng thị trường, trở thành một trong những nhà cung cấp tin cậy camera an ninh, camera hành trình cho thị trường trong nước và thế giới.
Khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút thành công các dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư trên địa bàn tỉnh, Vĩnh Phúc đã có nhiều đổi mới và có nhiều chính sách mới để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Cụ thể như việc xây dựng các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để tạo mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư, hỗ trợ người dân mất đất khi thực hiện thu hồi đất để đảm bảo an sinh xã hội và đồng thuận của người dân, xây dựng một số cơ chế nhằm hỗ trợ người lao động và ưu tiên cung ứng lao động và hỗ trợ tiền đào tạo nghề theo yêu cầu từng loại lao động của dự án, có chính sách hỗ trợ các DN đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.
Công ty Valuetronics là doanh nghiệp FDI mới đi vào hoạt động tại KCN Thăng Long Vĩnh Phúc tạo việc làm thường xuyên cho 600 lao động với thu nhập bình quân 7-9 triệu đồng/người/tháng. Ảnh: Thế Hùng
Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, Vĩnh Phúc luôn nằm trong top 15 của cả nước về cải cách hành chính. Năm 2022, Vĩnh Phúc chứng kiến sự bứt phá ngoạn mục của chỉ số chính sách hỗ trợ DN. Từ vị trí thứ 24/63 (năm 2021) lên vị trí thứ 4/63, tăng 20 bậc so với năm trước, vượt 11 bậc so với mục tiêu đề ra, thuộc nhóm các địa phương có điểm số tốt nhất cả nước và đứng đầu các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.
Điều này chứng tỏ cộng đồng DN đã có những đánh giá tích cực về những chính sách hỗ trợ DN trong thời điểm 2 năm gần đây. Đồng thời, khẳng định những nỗ lực của các cấp chính quyền trong tỉnh trong thời gian qua, phản ánh xu hướng tích cực của hoạt động cải cách môi trường kinh doanh trên địa bàn.
Đại diện Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (TMV) chia sẻ: Được sự quan tâm, hỗ trợ thường xuyên của các cấp, các ngành trong tỉnh, cùng sự nỗ lực của cán bộ nhân viên trong toàn công ty, TMV đã và đang nỗ lực duy trì sản xuất, đảm bảo chất lượng và thúc đẩy hoạt động SXKD.
Tuy nhiên, trong quý I/2023, sản lượng xe sản xuất trong nước của công ty giảm 37%, doanh số trong nước giảm 22%, mức tồn kho xe sản xuất tăng 323%.
Theo dự báo, thị trường, lĩnh vực ô tô sẽ có mức tăng trưởng khoảng 15%/năm - đây là thời điểm bùng nổ để phát triển các sản phẩm ô tô. Trong thời gian tới, TMV sẽ tập trung thực hiện các kế hoạch sản xuất, không ngừng nâng cao công suất, góp phần thúc đẩy lĩnh vực ô tô, ngành công nghiệp hỗ trợ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh.
Với những tín hiệu tích cực từ phía các DN, cùng sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp, các ngành trong tỉnh, kỳ vọng trong thời gian tới, hoạt động SXKD của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt các DN đầu tàu – có những đóng góp lớn trên địa bàn tỉnh sẽ bứt phá, góp phần “đảo chiều” ngành công nghiệp trên địa bàn.
Hồng Tính