Hướng tới mục tiêu đến năm 2025 trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước, tỉnh đã và đang hỗ trợ, ưu tiên thu hút các dự án, doanh nghiệp (DN) có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH của tỉnh.
Sản xuất linh kiện điện tử trên dây chuyền hiện đại tại công TNHH Solum Vina (KCN Bá Thiện 2). Ảnh: Thế Hùng
Thành lập năm 2016, Công ty TNHH Solum Vina (KCN Bá Thiện II- Bình Xuyên) là DN 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, chuyên sản xuất sản phẩm Mudule Power - cung cấp nguồn điện cho các sản phẩm điện tử và bảng giá điện tử cho các hãng điện tử như Samsung, Apple, Panasonic, Sony…
Những năm qua, công ty liên tục tăng vốn đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất; đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động hóa cao ở các khâu sản xuất. Năm 2022, công ty đạt doanh thu 1,3 tỷ USD, tạo việc làm ổn định cho gần 3.000 lao động.
Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư và góp phần phát triển ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp công nghệ cao hỗ trợ điện tử trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, công ty sẽ sản xuất một số sản phẩm mới như xạc điện ô tô, đèn chiếu sáng thông minh, pin dành cho ô tô; xây dựng Trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ cao; phối hợp cùng Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc đào tạo cho tỉnh những lao động có tay nghề trong lĩnh vực công nghệ cao.
Xác định thu hút các DN công nghệ cao là chính sách đột phá, ưu tiên hàng đầu của tỉnh, UBND tỉnh đã hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để tạo mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư, đồng thời hỗ trợ người dân thỏa đáng khi thực hiện thu hồi đất để bảo đảm an sinh xã hội và tạo sự đồng thuận; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo hướng xã hội hóa; ưu tiên cung ứng lao động và hỗ trợ tiền đào tạo nghề theo yêu cầu của từng loại lao động của dự án.
Tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực quản lý, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu, thu thuế xuất nhập khẩu để tránh phiền hà, giảm thời gian và chi phí cho cộng đồng DN.
Trong bối cảnh ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhất là từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều DN gặp khó khăn về thị trường, đơn hàng, tiếp cận nguồn vốn…, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các KCN tỉnh tổ chức nhiều hội nghị với các ngành chức năng, các DN để nắm bắt, đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Cụ thể, với nguồn vốn tín dụng, thống nhất phương án từ ngày 17/4/2023, việc cho vay giữa tổ chức tín dụng với khách hàng được thực hiện theo Luật Tổ chức tín dụng và Thông tư số 39 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Với những khó khăn về thủ tục hành chính, tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công; chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ với định hướng “cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cho cấp đó giải quyết và không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà cho nhân dân”.
Cục Thuế Vĩnh Phúc phối hợp Ban Quản lý các KCN tỉnh giải quyết các vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với DN trong giai đoạn chưa đáp ứng điều kiện về DN chế xuất; báo cáo giải quyết vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng của đơn vị là chi nhánh của DN chế xuất.
Tính hết ngày 31/3/2023, Cục Thuế Vĩnh Phúc đã nhận được 735 hồ sơ đề nghị giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của người nộp thuế; trong đó, có 676 hồ sơ của DN, 59 hồ sơ của cá nhân.
Đến hết ngày 25/4, ngành Thuế Vĩnh Phúc đã ra quyết định giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với 415 hồ sơ, tương ứng với số tiền được giảm là 25,47 tỷ đồng và hơn 8.300 USD.
Trước lợi thế và dư địa về thu hút đầu tư của tỉnh như đất đai, giá thuê đất hạ tầng KCN, cơ chế hỗ trợ… bị thu hẹp do sự cạnh tranh và vươn lên mạnh mẽ của các địa phương khác trong nước, đặc biệt là các địa phương lân cận, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN, nhất là DN công nghệ cao.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất và các cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý, giám sát và điều hành của chính quyền các cấp, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong tham mưu chính sách, xử lý công việc.
Tăng cường đối thoại với DN, hỗ trợ tốt nhất các DN trong việc thực hiện các thủ tục hành chính; xây dựng lại hệ thống thông tin về nhu cầu thu hút đầu tư, quy trình thủ tục, các ưu đãi đầu tư và những lợi thế của tỉnh.
Hỗ trợ nhà đầu tư cũng như triển khai cam kết của Chính phủ về giảm phát thải ròng bằng không đến năm 2025 nhằm thiết lập hệ thống năng lượng tái tạo, nước tuần hoàn để các sản phẩm sản xuất tại tỉnh có được yếu tố “xanh”, thỏa mãn các yêu cầu ngày càng khắt khe về bảo vệ môi trường.
Mai Liên