Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc đầu tư phát triển hạ tầng thương mại theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại không chỉ tạo thuận lợi, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh kinh doanh hàng hóa cho địa phương.
Co.opmart Vĩnh Phúc là một trong những điểm mua sắm quen thuộc của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nguyễn Lượng
Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, hệ thống hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển sôi động với đầy đủ các loại hình, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng văn minh của người dân.
Toàn tỉnh hiện có 1 chợ đầu mối, 81 chợ truyền thống, 7 siêu thị, 2 trung tâm thương mại và mạng lưới cửa hàng tự chọn đã phủ tới vùng nông thôn, miền núi. Dự án "siêu cảng" Logistics ICD Vĩnh Phúc giai đoạn I đã đi vào hoạt động, từng bước đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh và các tỉnh phía Bắc.
Hạ tầng thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh mẽ; việc mua sắm trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, TiKi... đã trở thành xu hướng và phổ biến đối với mọi người dân.
Đến nay, tỉnh đã có 1 sàn TMĐT (Sàn giao dịch Công nghệ và thiết bị trực tuyến tỉnh Vĩnh Phúc có địa chỉ truy cập https://vptex.vn) chuyên về trao đổi mua bán máy móc, công nghệ và thiết bị đã thu hút hơn 2.260 doanh nghiệp tham gia, chiếm khoảng 30% số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Các ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp hỗ trợ đưa một số loại nông sản, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp lên kinh doanh trên 2 sàn TMĐT Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Voso.vn của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel.
Hiện, các siêu thị, trung tâm thương mại đều ứng dụng thiết bị thanh toán POS; một số chợ triển khai mô hình chợ 4.0 hỗ trợ tiểu thương, khách hàng thực hiện giao dịch chuyển, nạp, rút tiền và thanh toán không dùng tiền mặt. Nhờ đó, các phương thức thanh toán qua tài khoản, ví điện tử... được sử dụng rộng rãi hơn, ngành TMĐT của tỉnh ghi nhận sự tăng trưởng nhanh.
Năm 2023, doanh số TMĐT bán lẻ của tỉnh đạt hơn 543 tỷ đồng, tăng 2,7% so với năm 2022, đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Từ năm 2021 - 2024, tỉnh duy trì vị trí tốp 15 tỉnh, thành có chỉ số phát triển TMĐT tốt nhất cả nước.
Tuy nhiên, hạ tầng thương mại của tỉnh phát triển còn chưa tương xứng với nhu cầu phát triển KT-XH, chưa đáp ứng yêu cầu quy hoạch, chưa đồng bộ; hạ tầng bán lẻ như chợ, siêu thị... tăng nhanh nhưng phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị trấn.
Cơ sở vật chất kỹ thuật của một số chợ chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là các điều kiện về phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… Hệ thống chợ đầu mối, bán buôn hàng hóa, chợ nông thôn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; chưa có các trung tâm giao dịch nông sản, các chợ đầu mối tiêu thụ các nông sản có lợi thế của địa phương.
Việc triển khai thực hiện xã hội hóa hoạt động đầu tư kinh doanh, khai thác và quản lý chợ gặp nhiều khó khăn do tỷ suất vốn đầu tư xây dựng chợ cao trong khi tỷ lệ thu hồi vốn đầu tư thấp nên không hấp dẫn, khó kêu gọi đầu tư.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái cho TMĐT bao gồm dịch vụ thanh toán, logistics và các dịch vụ phụ trợ mới chỉ đang trong giai đoạn hoàn thiện; hạ tầng, chất lượng vận chuyển, thời gian vận chuyển, thủ tục thông quan, chi phí, các dịch vụ theo dõi và truy xuất đơn hàng vẫn chưa phát triển đồng bộ và còn bộc lộ nhiều hạn chế.
Tỷ lệ số lượng doanh nghiệp có trang website có chức năng mua, bán, tiếp thị, thanh toán, hoàn tất đơn hàng trên website so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của tỉnh còn chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu mới chỉ dừng lại ở hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Thương hiệu các sản phẩm hàng hóa (sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP) của tỉnh chưa có sự lan tỏa rộng rãi trên các sàn TMĐT lớn của cả nước. Các doanh nghiệp, doanh nhân chủ yếu quảng bá và tiêu thụ sản phẩm theo phương thức truyền thống...
Với mục tiêu phát triển hạ tầng thương mại xứng với tiềm năng, lợi thế, không chỉ đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh kinh doanh hàng hóa cho địa phương, phương án phát triển kết cấu hạ tầng thương mại tỉnh được xác định trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, khuyến khích phát triển siêu thị, trung tâm thương mại hạng I tại khu vực thành phố, hạng II tại khu vực đô thị cấp huyện. Đồng thời hoàn thành xây dựng dự án Trung tâm Triển lãm và giới thiệu thành tựu KT - XH tỉnh; phát triển hệ thống chợ, các trung tâm thương mại, siêu thị tại các xã, phường, thị trấn và các đô thị theo quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch có liên quan.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực tài chính đầu tư hạ tầng thương mại; chú trọng, hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối mở rộng hệ thống điểm bán thu hút và hình thành những tập đoàn thương mại lớn trong tỉnh và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quản lý điều hành hoạt động thương mại có tính chuyên nghiệp...
Lưu Nhung