Sự thành công của chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã thu hút nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quan tâm triển khai nhân rộng. Việc chú trọng xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP đã góp phần tạo sức cạnh tranh trên thị trường và thúc đẩy phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa chất lượng cao.
Sản phẩm OCOP cá thính Lập Thạch được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Ảnh: Nguyễn Lượng
Để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa mang tính đặc thù của từng địa phương, ngay từ khi triển khai chương trình, tỉnh đã có các chính sách hỗ trợ các vùng sản xuất tập trung các loại cây trồng chủ lực như ổi Đôn Nhân ở huyện Sông Lô; thanh long ruột đỏ ở huyện Lập Thạch; trà hoa vàng, ba kích ở huyện Tam Đảo...
Sau 5 năm triển khai, các sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP đã khẳng định được chất lượng, giúp nâng tầm sản phẩm cả về quy trình sản xuất, chất lượng, bao bì, nhãn mác, kênh phân phối, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Hiện toàn tỉnh có 145 sản phẩm được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 141 sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh trở lên.
Để nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP của các địa phương, đơn vị sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 51 về hỗ trợ triển khai chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Theo đó, mức hỗ trợ chi phí xây dựng và đăng ký nhãn hiệu tối đa 35 triệu đồng/nhãn hiệu và hỗ trợ 1 lần chi phí in ấn tem nhãn hàng hóa, bao bì sản phẩm đối với các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện chương trình OCOP có sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên.
UBND tỉnh cũng tập trung chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền địa phương cùng các chủ thể thực hiện chương trình trao đổi, xây dựng kế hoạch phát triển cho từng sản phẩm; xác định những chỉ tiêu còn có thể nâng điểm, nâng hạng và thực hiện các giải pháp, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ để cải thiện từng tiêu chí, bảo đảm nâng hạng các sản phẩm.
Với sự hỗ trợ của tỉnh, sự nỗ lực của các chủ thể sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm OCOP trên địa bàn đã từng bước nâng cao sức cạnh tranh, có sức hút hơn đối với người tiêu dùng, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn.
Các sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 - 4 sao của HTX Nấm Tam Đảo được đóng gói cẩn thận và có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Ảnh: Nguyễn Lượng
Ông Phùng Đức Định, Giám đốc Công ty TNHH Nấm Phùng Gia, xã Tam Hợp (Bình Xuyên) cho biết: Tại thời điểm mới tham gia chương trình, công ty đã không ngừng nỗ lực học hỏi, tìm tòi các giải pháp nâng cao chất lượng của từng dòng sản phẩm.
Để nâng cao giá trị hàng hóa, công ty tuyệt đối tuân thủ các tiêu chuẩn mà một sản phẩm OCOP cần có để phát triển các sản phẩm chủ lực. Đến nay, sản phẩm nấm đùi gà và nấm sò yến của đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao và 3 sao cấp tỉnh. Các sản phẩm đã có chỗ đứng vững chắc tại hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn, các cửa hàng thực phẩm sạch khắp miền Bắc và miền Trung.
Để nâng cao sức cạnh tranh cho từng dòng sản phẩm, cùng với nấm đùi gà đã đạt tiêu chuẩn 4 sao, công ty đang hoàn thiện hồ sơ nâng hạng sản phẩm nấm sò yến từ 3 sao lên 4 sao. Công ty cũng đang tiếp tục nghiên cứu, cho ra đời một số loại nấm có chất lượng và giá trị kinh tế cao.
Ông Lưu Văn Bắc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Xuyên cho biết: Để hỗ trợ các sản phẩm OCOP của địa phương, huyện luôn khuyến khích, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, hộ làm nghề đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng, cải thiện bao bì, mẫu mã sản phẩm, đa dạng kênh tiêu thụ, đưa sản phẩm của địa phương đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Để hỗ trợ các sản phẩm OCOP ổn định thị trường tiêu thụ, địa phương luôn tích cực phối hợp với Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh tổ chức các đoàn tham gia hội chợ OCOP do các cơ quan liên quan, các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức. Qua đó giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP của Bình Xuyên tại các hội chợ để người tiêu dùng cả nước biết đến và tin dùng.
Thực tế vẫn còn một số sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong phát triển thị trường tiêu thụ. Nguyên nhân được chỉ ra là do các sản phẩm đăng ký tham gia chương trình cơ bản là sản phẩm thô, có quy mô sản xuất nhỏ, nhiều sản phẩm được trồng theo thời vụ, chưa có tem nhãn bao bì, chưa bảo đảm được vùng nguyên liệu để sản xuất nên khó khăn trong việc hoàn thiện và phát triển sản phẩm.
Cùng với đó, năng lực của một số chủ thể còn hạn chế nên việc tiếp cận và mở rộng thị trường gặp khó khăn. Vì vậy, hơn lúc nào hết, các chủ thể cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được đánh giá, công nhận lại hoặc nâng sao cho các sản phẩm của mình.
Các chủ thể OCOP cũng cần nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư cho sản phẩm từ mẫu mã, bao bì đến quảng bá, nâng cao chất lượng, tuân thủ các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường...
Đồng thời đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết, mở rộng quy mô sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhanh chóng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để duy trì, nâng hạng sao các sản phẩm đã được xếp hạng.
Thành An