Hiện nay, một số Trung tâm văn hóa - thể thao (VHTT) cấp xã trên địa bàn tỉnh chưa phát huy được tối đa công năng do các thiết chế này nằm xa khu dân cư, cơ sở vật chất, các trang thiết bị đã xuống cấp, khâu quản lý, vận hành chưa hiệu quả… Các địa phương đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm phát huy công năng khu thiết chế, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt văn hóa văn nghệ (VHVN), thể dục thể thao (TDTT) của người dân.
Mặt sân vận động Trung tâm VHTT xã Hợp Lý (Lập Thạch) gồ ghề, lầy lội, ngập úng vào mùa mưa nên chưa thu hút được người dân đến luyện tập thể thao. Ảnh: Diệp Anh
Theo số liệu từ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện nay, toàn tỉnh có 102 xã, phường, thị trấn có Trung tâm VHTT cấp xã. Các Trung tâm VHTT cấp xã có diện tích từ 14.000m2 trở lên, gồm các hạng mục chính sân vận động, sân khấu ngoài trời, nhà luyện tập TDTT đa năng.
Nhìn chung, Trung tâm VHTT cấp xã ở các địa phương đã phát huy được công năng sử dụng, trở thành địa điểm hội họp, sinh hoạt VHVN, luyện tập TDTT của nhân dân.
Đây cũng là nơi tổ chức các chương trình tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, các hoạt động trại hè, các hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, các giải thể thao chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, các ngày kỷ niệm của các ngành và các ngày lễ, Tết ở địa phương…
Tuy nhiên, một số địa phương trong tỉnh chưa phát huy được hiệu quả thiết chế VHTT cấp xã. Nhiều Trung tâm VHTT cấp xã nằm ở vị trí xa khu dân cư, không thuận tiện để người dân đến luyện tập.
Sân vận động ngoài trời chưa được đầu tư nâng cấp, mặt sân đất gồ ghề, lồi lõm, vào mùa mưa thường bị ngập úng, trơn trượt, cỏ mọc um tùm.
Một số Trung tâm VHTT xã được xây dựng đã lâu, nhiều hạng mục bị hư hỏng, xuống cấp; cơ sở vật chất, các trang thiết bị phục vụ luyện tập, thi đấu TDTT thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân.
Khâu quản lý, vận hành khu thiết chế chưa hiệu quả, còn lúng túng trong phương thức hoạt động khiến các phong trào chỉ mang tính "thời vụ", chưa tổ chức thành các hoạt động thường xuyên, tạo thói quen sinh hoạt VHTT cho người dân. Tại một số nơi, các thiết bị TDTT ngoài trời được lắp đặt trên nền đất thiếu kiên cố, gây khó khăn cho người dân luyện tập.
Công tác quản lý, vận hành khu thiết chế thiếu đồng nhất giữa các địa phương, có nơi giao cho Đoàn Thanh niên, có nơi giao cho Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ đảm nhiệm, có nơi thuê người trông coi. Việc bảo vệ khu thiết chế chưa chặt chẽ, thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ thất thoát tài sản, vệ sinh môi trường không đảm bảo.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, các thiết chế nhà văn hóa, khu thể thao thôn, tổ dân phố được đầu tư xây dựng, nâng cấp khang trang, hiện đại, được trang bị đầy đủ thiết bị, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt VHVN, luyện tập TDTT của người dân.
Các nhà văn hóa, khu thể thao thôn, tổ dân phố được xây dựng ở vị trí thuận lợi, gần khu dân cư nên thu hút được nhiều người dân tới sinh hoạt, tập luyện hơn so với Trung tâm VHTT cấp xã.
Trước thực trạng đó, các địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo để phát huy hiệu quả thiết chế VHTT cấp xã. Nhiều địa phương huy động các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các hạng mục, mua sắm các trang thiết bị phục vụ nhu cầu sinh hoạt VHVN, luyện tập TDTT của nhân dân.
Thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên của các câu lạc bộ (CLB) VHVN, TDTT; tổ chức nhiều hoạt động hội thi, hội diễn, trại hè, các giải thể thao…; chủ động tạo nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ VHTT, hội phí sinh hoạt các CLB, nhóm sở thích, các hoạt động cưới, hỏi, họp lớp...
Các thiết bị trong nhà luyện tập thể dục thể thao đa năng xã Hợp Lý (Lập Thạch) lắp đặt sơ sài nên chưa thu hút được người dân đến luyện tập. Ảnh: Diệp Anh
Một số địa phương thuê người bảo vệ khu thiết chế 24/24h, đảm bảo an ninh trật tự, phòng tránh thất thoát tài sản, đảm bảo vệ sinh môi trường, từ đó, thu hút người dân tới sinh hoạt, tập luyện.
Trung tâm VHTT xã Hợp Lý (Lập Thạch) được xây dựng từ năm 2012 với tổng diện tích hơn 15.000m2, gồm các hạng mục nhà luyện tập TDTT đa năng, sân khấu ngoài trời, sân vận động. Sau khi đưa vào sử dụng cơ bản đáp ứng được nhu cầu hội họp, sinh hoạt VHVN, TDTT của nhân dân.
Tuy nhiên, hiện nay, nhiều hạng mục tại khu thiết chế đã xuống cấp. Một số tấm kính của nhà luyện tập TDTT đa năng bị vỡ, hỏng; bên trong các bức tường cáu bẩn bởi mạng nhện giăng mắc lâu ngày; các thiết bị được lắp đặt sơ sài, chỉ có một vài bóng đèn chiếu sáng và 2 tấm lưới để phục vụ chơi cầu lông.
Phần lớn diện tích sân vận động là nền đất gồ ghề, nhiều cỏ mọc, vào mùa mưa thường ngập úng. Nhiều vỏ chai nhựa, giấy rác vứt bừa bãi trên mặt sân. Khu nhà vệ sinh mới xây được phần thô, chưa lắp cửa nên không thể sử dụng.
Để khắc phục tình trạng trên, xã Hợp Lý đã huy động các nguồn lực sửa chữa, nâng cấp mặt sân bóng đá bằng cỏ nhân tạo, đổ nền bê tông để xây dựng sân bóng chuyền, lắp thêm bóng đèn trong nhà luyện tập TDTT đa năng để người dân có thể luyện tập thể thao vào buổi tối; làm rãnh thoát nước, giải quyết tình trạng ứ đọng nước thải trong mùa mưa. Xã thuê người bảo vệ khu thiết chế 24/24h. Theo đó, nhiều hoạt động VHTT đã được tổ chức tại khu thiết chế.
Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Lý Lại Thị Thu Hiền cho biết: Xã đang xây dựng kế hoạch cải tạo, nâng cấp Trung tâm VHTT xã để phục vụ tốt hơn nhu cầu sinh hoạt, tập luyện của người dân.
Để phát huy hiệu quả thiết chế VHTT cấp xã, cần sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự đồng lòng, chung tay, góp sức của nhân dân. Qua đó, phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, phục vụ tốt đời sống, sinh hoạt của người dân.
Bạch Nga