Kỳ II: Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân theo hướng bền vững được Vĩnh Phúc xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, vừa là mục tiêu, nhiệm vụ, vừa là động lực và thước đo đánh giá kết quả, chất lượng xây dựng NTM. Gắn với thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều địa phương đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế, vận động nhân dân từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Khơi dậy tiềm năng, thế mạnh tại mỗi địa phương
Là xã đầu tiên về đích NTM kiểu mẫu của tỉnh, để duy trì và nâng cao các tiêu chí, xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường) xác định công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ hàng đầu.
Mô hình chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học của gia đình ông Trương Quang Phú, thôn Dầu, xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường) cho thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Chu Kiều
Với lợi thế thành công trong việc dồn thửa, đổi ruộng, những cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn xã được hình thành, hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được đầu tư đồng bộ, tạo tiền đề ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nông nghiệp.
Cùng với việc đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, hiện nay phần lớn diện tích canh tác nông nghiệp trên địa bàn xã đã được cơ giới hóa, giúp tăng năng suất, giá trị sản xuất cho nông dân.
Năm 2023, giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác tại địa bàn xã đạt khoảng 160 triệu đồng. Bên cạnh đó, xã đã quy hoạch được khu chăn nuôi tập trung với nhiều mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao.
Là một trong những hộ đầu tiên áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học tại xã Ngũ Kiên, ông Trương Quang Phú, thôn Dầu mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng chuồng trại khép kín, ứng dụng KHKT chăn nuôi vịt với quy mô hơn 1 vạn con.
Để đảm bảo mô hình cho hiệu quả kinh tế ổn định, ông Phú ký hợp đồng với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, được doanh nghiệp cung cấp giống, thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật và đảm bảo đầu ra sản phẩm. Hiện, mô hình chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học của gia đình ông Phú thu lãi 400 triệu đồng mỗi năm.
Ông Phú cho biết: “Nhờ chủ trương dồn thửa, đổi ruộng của tỉnh, tận dụng lợi thế địa phương có nhiều hồ, đầm, việc xây dựng mô hình chăn nuôi của gia đình được triển khai thuận lợi. Ngoài ra, tôi cũng được UBND xã tạo điều kiện trong việc giới thiệu, tiếp cận vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng”.
Chủ tịch UBND xã Ngũ Kiên Hoàng Văn Chương cho biết: “Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương, UBND xã tích cực tuyên truyền, định hướng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng KHKT giúp nâng cao năng suất, giá trị sản xuất và thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, xã khuyến khích các hộ dân đầu tư mở rộng nghề truyền thống, đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, đa dạng hóa loại hình kinh doanh. Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2023 đạt 74 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 0,2%...”.
Là 1 trong 2 xã đầu tiên được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao của tỉnh vào năm 2021, xã Liên Châu (Yên Lạc) tiếp tục triển khai xây dựng xã NTM kiểu mẫu với tiêu chí nổi trội về lĩnh vực sản xuất.
Chủ tịch UBND xã Liên Châu Phùng Mạnh Khuyến cho biết: “Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã chuyển đổi 82 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang chăn nuôi; tăng cường tập huấn, chuyển giao KHKT; tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng cây, con giống mới cho năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao; phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất…
Từ chỗ sản xuất chủ yếu các loại cây trồng truyền thống như ngô, lúa, đến nay người dân địa phương đã đưa nhiều giống cây trồng mới cho năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao vào gieo trồng.
Trên địa bàn xã đã hình thành các vùng chuyên canh, có 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi… Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã hiện đạt hơn 75 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo tính đến cuối năm 2023 giảm còn 0,36%”.
Đồng hành cùng người dân nâng cao thu nhập
Đồng chí Nguyễn Văn Độ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Kiên định với mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống của người dân nông thôn, trong đó thể hiện rõ nhất là tiêu chí thu nhập, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, làm tốt công tác quy hoạch vùng, ưu tiên hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất, tăng cường đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn vay, ứng dụng KHKT vào sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế cho thu nhập cao…”.
Tận dụng lợi thế có nhiều hồ, đầm của địa phương, gia đình ông Nguyễn Đắc Yên, thôn Thượng, xã Ngũ Kiên phát triển mô hình nuôi cá thâm canh cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Chu Kiều
Lồng ghép chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn với thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, giai đoạn 2021-2023, tỉnh hỗ trợ hơn 2.600 tấn lúa giống chất lượng cao cho người dân đưa vào sản xuất; quy hoạch 1.840ha trồng rau, củ, quả theo quy trình VietGAP; hỗ trợ 50% giống, phân bón hữu cơ, sinh học, vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho hơn 14.700 hộ, hợp tác xã sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP trên tổng diện tích gần 1.800ha.
Thực hiện chính sách hỗ trợ triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chương trình Khoa học và Công nghệ (KH&CN) trong xây dựng NTM, đến nay, toàn tỉnh đã có 140 sản phẩm được phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên; có hơn 130 đề tài, dự án KH&CN tập trung vào việc thử nghiệm giống cây, ứng dụng KHKT nhằm tối ưu hiệu quả sản xuất…
Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh tại các địa phương có tiềm năng về du lịch, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM được tỉnh triển khai hiệu quả với nhiều mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng như du lịch trải nghiệm Vườn thanh long ruột đỏ tại các xã Vân Trục, Xuân Hòa, Ngọc Mỹ (Lập Thạch); du lịch trải nghiệm, thưởng thức đặc sản rau su su, trà hoa vàng, các sản phẩm từ mật ong của huyện Tam Đảo; du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa dân tộc tại các xã Đạo Trù (Tam Đảo), Lãng Công (Sông Lô), Ngọc Thanh (Phúc Yên)…
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được các địa phương đặc biệt quan tâm với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề hiệu quả. Giai đoạn 2021-2023, có hơn 28.800 lao động nông thôn được đào tạo nghề; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề khu vực nông thôn đạt hơn 80%, trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo đã được cấp bằng, chứng chỉ đạt 36%.
Cùng với đó, các địa phương tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tư duy sản xuất; chủ động tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; ứng dụng KHKT vào sản xuất để nâng cao giá trị canh tác; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất và giá trị kinh tế cao…
Trên cơ sở thành quả của công cuộc xây dựng NTM, các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực của tỉnh, ngày càng nhiều người dân mạnh dạn xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả gắn với tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Năm 2023, ngành NN&PTNT của tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng với 5,29%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh đạt 60 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 0,61%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Hoàng Sơn - Lê Mơ