Kỳ I: Nông thôn mới bền vững từ nội lực nhân dân
Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các địa phương đã phát huy được vai trò chủ thể, khơi dậy sự chủ động, tham gia tích cực của nhân dân. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả đã được triển khai, nhân rộng, góp phần huy động trí tuệ, tâm huyết, nguồn lực trong nhân dân cùng với địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các mục tiêu của chương trình.
Những công trình từ sức dân
Tuyến đường vào thôn Phan Lãng, xã Cao Phong (Sông Lô) trước đây chỉ rộng hơn 1m, gây khó khăn trong việc đi lại, sản xuất, giao thương của người dân. Chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, hơn 30 hộ dân trong thôn đã hiến đất mở rộng đường thôn, xây dựng đường hoa với tổng diện tích 1.000m2.
Nhân dân đồng lòng, góp sức xây dựng xã Liên Châu (Yên Lạc) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Ảnh: Trà Hương
Với sự tham gia tích cực của nhân dân, đường vào thôn đã được mở rộng thêm 4 - 5m, trải thảm nhựa khang trang; hai bên đường được trồng hoa, cây xanh, vẽ tranh tường… tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp cho khu dân cư.
Ông Nguyễn Hữu Tưởng, Bí thư Chi bộ thôn Phan Lãng phấn khởi chia sẻ: “Sự đồng thuận, ủng hộ của người dân là yếu tố quan trọng để công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn trở thành phong trào thi đua sâu rộng, có sức lan tỏa và phát huy hiệu quả.
Cùng với hiến đất mở rộng đường giao thông, từ năm 2021 đến nay, bà con trong thôn đã hiến hơn 9.100 m2 đất để mở rộng khuôn viên nhà văn hóa, xây dựng sân thể thao; ủng hộ hơn 1.200 ngày công lao động; đóng góp gần 900 triệu đồng để nâng cấp, mở rộng đường thôn, xóm, cải tạo nhà văn hóa, trồng hoa, cây xanh…
Qua đó góp sức đẩy nhanh tiến độ xây dựng thôn NTM kiểu mẫu Phan Lãng nói riêng và thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn xã Cao Phong nói chung”.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự đồng lòng, hưởng ứng, tham gia tích cực của nhân dân, Yên Lạc là huyện đầu tiên của tỉnh đạt 9/9 tiêu chí của huyện NTM nâng cao, về đích trước 6 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Trên địa bàn huyện hiện có 9/15 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu; 74 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu; 100% trường học đạt trường chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo tiêu chí mới giảm còn 0,62%; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 72 triệu đồng/năm…
Giai đoạn 2021 - 2023, tổng nguồn vốn xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn huyện Yên Lạc là hơn 2.700 tỷ đồng, trong đó có hơn 312 tỷ đồng huy động từ người dân và cộng đồng.
Đồng chí Nguyễn Khắc Hiếu, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Lạc, cho biết: “Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM có ý nghĩa bao trùm, toàn diện và đồng bộ về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh; thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn và chăm lo đời sống nhân dân.
Xác định phát huy vai trò chủ thể của người dân là yếu tố quyết định đến sự thành công, tính bền vững của chương trình, huyện Yên Lạc luôn chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tạo sự đồng thuận, huy động sự tham gia, đóng góp của nhân dân.
Từ việc nhận thức rõ ý nghĩa thiết thực của chương trình, được tham gia đầy đủ ở các mức độ: Biết, bàn, kiểm tra, giám sát và thụ hưởng, người dân trên địa bàn huyện càng thêm tin tưởng, tích cực tham gia, đóng góp để thực hiện, duy trì và nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu, tạo nên diện mạo mới, sức sống mới ở mỗi làng quê”.
Chủ thể trong xây dựng nông thôn mới
Thời điểm bước vào xây dựng NTM (cuối năm 2010), toàn tỉnh mới có 14 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí NTM, 80 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí, 18 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM được triển khai sâu rộng, hiệu quả đã góp phần thay đổi căn bản diện mạo khu vực nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Diện mạo NTM xã Hồng Phương (Yên Lạc) ngày càng khởi sắc. Ảnh: Trà Hương
Đến hết tháng 9/2024, toàn tỉnh có 190 thôn được công nhận thôn NTM kiểu mẫu, 13 thôn thông minh; 100% các xã được công nhận đạt chuẩn NTM (giai đoạn 2011 - 2020), tiếp tục duy trì đạt chuẩn theo quy định giai đoạn 2021 - 2025; 34 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Huyện Yên Lạc và huyện Bình Xuyên được công nhận đạt chuẩn huyện NTM; thành phố Vĩnh Yên và thành phố Phúc Yên được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; các huyện Vĩnh Tường, Tam Dương, Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô đang hoàn thành điều kiện, tiêu chí xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM; huyện Yên Lạc đang đề nghị để xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024.
Thành quả đạt được trong xây dựng NTM là minh chứng rõ nét cho những chủ trương, quyết sách đúng đắn của tỉnh, là kết quả từ sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và hơn nữa là sự chủ động, nỗ lực, phát huy vai trò chủ thể của người dân.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động với nhiều đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa và lợi ích của chương trình xây dựng NTM.
Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp thực hiện tốt quy chế dân chủ trong triển khai công việc, đảm bảo công khai, minh bạch; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để tuyên truyền, vận động; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, từ đó tạo niềm tin, sức lan tỏa tới nhân dân.
Nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động, mô hình dân vận khéo được các cấp, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể triển khai gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, tạo sức lan tỏa sâu rộng, phát huy được vai trò chủ thể, sự chủ động, sáng tạo và các nguồn lực trong nhân dân.
Điển hình như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; Hội Nông dân với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Nông dân thi đua xây dựng NTM”; Hội Cựu chiến binh với phong trào “Cựu Chiến binh nêu gương sáng, hiến kế, hiến công xây dựng quê hương, đất nước”; Hội Phụ nữ thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Đoàn Thanh niên với phong trào “Xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Ngày chủ nhật xanh”...
Giai đoạn 2021 - 2023, tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh là hơn 7.626 tỷ đồng, trong đó gần 1.039 tỷ đồng từ nhân dân đóng góp. Qua khảo sát tại các địa phương, tỷ lệ hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM đạt 90% trở lên.
Không chỉ đóng góp kinh phí, nhân dân nhiều địa phương còn tích cực ủng hộ ngày công lao động, tự nguyện hiến đất để mở rộng, cải tạo các tuyến đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, công trình công cộng trên địa bàn; tham gia giám sát thực hiện các công trình, dự án; đảm bảo an ninh trật tự; chung tay thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa; thi đua phát triển kinh tế…
Vai trò chủ thể của mỗi người dân Vĩnh Phúc trong xây dựng NTM đã và đang được thể hiện đầy đủ ở phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Từ những thành quả của chương trình, nhân dân ngày càng tin tưởng, đồng thuận, phát huy vai trò chủ thể, chủ động, tích cực đóng góp công sức, trí tuệ để đảm bảo xây dựng NTM bền vững, xây dựng nông thôn Vĩnh Phúc đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện theo hướng văn minh, hiện đại, giàu bản sắc truyền thống.
Hoàng Sơn - Lê Mơ