Công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Sông Lô quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đảm bảo về số lượng, nâng cao về chất lượng, góp phần tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là việc triển khai chế độ, chính sách liên quan đến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số ở xã Quang Yên (Sông Lô) luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, gắn bó với nhân dân. Ảnh: Dương Hà
Là cán bộ người dân tộc Cao Lan, sau khi tốt nghiệp cao đẳng, chị Sầm Thị Nhàn tích cực tham gia các hoạt động của địa phương và được bầu làm Bí thư Đoàn Thanh niên xã Quang Yên. Chị Nhàn chia sẻ: "Trong thời gian công tác tại xã, tôi luôn được lãnh đạo tạo điều kiện, giúp đỡ để tham gia các lớp đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, giúp tôi trau dồi kiến thức, kỹ năng để cùng tập thể Ban Chấp hành Đoàn xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các phong trào thanh, thiếu niên của địa phương".
Là địa bàn có 20% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS), Đảng ủy xã Quang Yên luôn xác định đội ngũ cán bộ, công chức người DTTS là những "hạt nhân" trong phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương.
Bí thư Đảng ủy xã Quang Yên Nguyễn Tiến Toàn cho biết: "Để xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS đảm bảo cơ cấu, chất lượng, Đảng ủy xã đã quan tâm tuyển dụng cán bộ là người DTTS vào làm việc trong hệ thống chính trị của địa phương. Thường xuyên lựa chọn những cán bộ người DTTS có triển vọng cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng do tỉnh, huyện tổ chức.
Khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để cán bộ tự nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu công việc. Hiện, Ban Chấp hành Đảng bộ xã có 4/15 ủy viên là người DTTS, chiếm 27%. Tỷ lệ người DTTS tham gia HĐND xã đạt 25%. Đến nay, 100% cán bộ, công chức của xã có trình độ đại học và trung cấp lý luận trở lên".
Sông Lô là huyện miền núi có 13 DTTS cùng sinh sống. Đa số đồng bào DTTS sống xen kẽ với các hộ dân là người dân tộc Kinh; riêng đồng bào dân tộc Cao Lan, Dao sống tập trung thành thôn, làng ở các xã Quang Yên, Lãng Công.
Đồng chí Sầm Thị Nhàn, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Quang Yên (Sông Lô) là người dân tộc Cao Lan luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình trong công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ảnh: Dương Hà
Thực hiện chủ trương, chính sách về công tác dân tộc của Đảng, Nhà nước, Ban Thường vụ Huyện ủy Sông Lô chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện tốt việc sử dụng cán bộ người DTTS; mạnh dạn giao việc để rèn luyện, thử thách, làm căn cứ đưa vào quy hoạch; tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ người DTTS tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác.
Từ năm 2023 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy Sông Lô đã cử 3 đồng chí lãnh đạo, quản lý tham gia lớp cao cấp lý luận chính trị và 85 cán bộ, công chức tham gia các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ. Tổ chức 4 lớp bồi dưỡng lý luận chính trị và 12 lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hơn 1.400 lượt cán bộ, công chức, trong đó, nhiều cán bộ, công chức là người DTTS.
Cùng với quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, huyện còn làm tốt công tác bố trí, sắp xếp, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ là người DTTS nhằm tạo động lực để người có trình độ, năng lực phấn đấu, vươn lên, góp phần đổi mới công tác cán bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ DTTS.
Công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS được thực hiện đúng quy định, bảo đảm công khai, chặt chẽ, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; kết hợp giữa chỉ tiêu biên chế và yêu cầu công việc, vị trí việc làm, chú trọng năng lực, phẩm chất đạo đức cán bộ.
Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và 2 xã Quang Yên, Lãng Công đã áp dụng chính sách, chế độ ưu tiên tuyển dụng đối với đối tượng là người DTTS, đảm bảo phù hợp với vị trí tuyển dụng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Hiện nay, huyện Sông Lô có 2 cán bộ người DTTS tham gia công tác ở cấp huyện đều có trình độ chuyên môn đại học và trung cấp lý luận chính trị trở lên. Ở cấp xã, có 7 cán bộ, công chức là người DTTS, trong đó, hơn 90% cán bộ, công chức có trình độ đại học; 80% có trình độ lý luận trung cấp. Toàn huyện có 40 viên chức ngành giáo dục là người DTTS.
Qua thực tiễn công tác, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức người DTTS đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong công việc được giao, gắn bó với nhân dân, chịu khó học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thanh Huyền