Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, hiệu quả, giúp diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi ngày càng khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao.
Xã Đạo Trù có gần 90% dân số là đồng bào DTTS, từng là địa phương thuộc diện khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Tam Đảo. Nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
Mô hình trồng ớt của đồng bào dân tộc Sán Dìu, thôn Đồng Quạ, xã Đạo Trù (Tam Đảo) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Trà Hương
Bí thư Đảng ủy xã Đạo Trù Lưu Xuân Năm cho biết: “Các chính sách, chương trình hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS và miền núi được triển khai hiệu quả, lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm và các chương trình hỗ trợ khác đã giúp Đạo Trù hoàn thành mục tiêu phát triển KT-XH.
Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, xã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững trên cơ sở phát huy các tiềm năng, thế mạnh của địa phương; tuyên truyền vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đẩy mạnh phát triển sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng…
Cách đây hơn 10 năm, thu nhập bình quân đầu người của Đạo Trù chỉ ở mức dưới 10 triệu đồng/năm thì đến nay đã đạt 56 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,8%; 90% tuyến giao thông nông thôn được cứng hóa; 100% thôn có thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao của người dân…”.
Trên địa bàn tỉnh có 41 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS chiếm 4,8% dân số toàn tỉnh (hơn 59 nghìn người). Để triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược công tác dân tộc, tỉnh chỉ đạo lồng ghép thực hiện các chính sách dân tộc với chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững và vận dụng cơ chế, chính sách từ các chương trình, đề án, chính sách phát triển KT-XH của tỉnh.
Đồng thời quan tâm chăm lo, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội cho đồng bào DTTS trên tất cả các mặt gồm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ công cộng, hỗ trợ sản xuất thông qua chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, bảo đảm việc làm và phát triển cơ sở hạ tầng cho các địa phương.
Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 65 công trình hạ tầng tại các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi được phê duyệt trong kế hoạch đầu tư công trung hạn với kinh phí hơn 300 tỷ đồng.
Từ năm 2022 đến nay, tại các địa phương vùng DTTS và miền núi của tỉnh có 129 hộ được hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi với kinh phí hơn 13 tỷ đồng; 650 trường hợp được hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ quy trình thủ tục, sản xuất kinh doanh, chế biến tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu các sản phẩm OCOP đối với 12 sản phẩm, kinh phí hơn 300 triệu đồng; 992 lượt học sinh, giáo viên tiêu biểu là người DTTS có thành tích xuất sắc được tuyên dương, khen thưởng với tổng kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng...
Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng bào vùng DTTS và miền núi đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, phát huy thế mạnh của từng địa phương để phát triển kinh tế; chú trọng đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống cây, con mới cho năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất, từng bước tạo thành vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
Cơ cấu kinh tế tại các địa phương dần chuyền dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp; nhiều điểm du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS thu hút khách du lịch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng, tăng thu nhập cho người dân…
Với những giải pháp đồng bộ, diện mạo vùng DTTS và miền núi ngày càng khởi sắc. Vĩnh Phúc là địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành mục tiêu Chương trình 135; từ năm 2021 tỉnh không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn, chỉ còn 11 xã, thị trấn khu vực I theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Xã Quang Yên (Sông Lô) luôn quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Trà Hương
100% xã vùng DTTS và miền núi đã đạt chuẩn nông thôn mới (giai đoạn 2011 - 2020) và đang tiếp tục thực hiện duy trì đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định giai đoạn 2021 - 2025.
Cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt gần 57 triệu đồng/năm (dự kiến cuối năm 2024 đạt khoảng 61,2 triệu đồng/năm); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,09% (dự kiến cuối năm 2024, giảm còn 0,89%); tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 100%.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều khởi sắc, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt được nhiều kết quả quan trọng với 100% xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,5%; quy mô và chất lượng GDĐT tiếp tục được mở rộng và nâng cao, 100% trường, lớp học được xây dựng kiên cố; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường bậc mầm non đạt 100%, tiểu học và trung học cơ sở đạt 96,7%; tỷ lệ học sinh DTTS đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp ngày càng tăng…
Đến nay, hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng vùng DTTS và miền núi đều đạt và vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu theo Quyết định số 1719 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Phát huy kết quả đạt được, Vĩnh Phúc tiếp tục tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển hạ tầng vùng DTTS và miền núi theo hướng đồng bộ, hiện đại, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; huy động, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện tốt chính sách đặc thù, các chương trình phát triển KT-XH; quan tâm phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống.
Đồng thời tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS và miền núi thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế…
Lê Mơ