Các già làng, trưởng bản (người có uy tín) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Họ là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là nhân tố quan trọng thúc đẩy tinh thần đoàn kết và đồng thuận trong cộng đồng.
Ông Phùng Thế Vỵ, người có uy tín ở thôn Thành Công, xã Lãng Công (Sông Lô) truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ. Ảnh: Trà Hương
Toàn tỉnh hiện có hơn 59 nghìn người DTTS, chiếm gần 4,8% dân số, sống tập trung ở 121 thôn, trong đó 70 thôn có tỷ lệ đồng bào DTTS, chiếm hơn 70%.
Ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, người có uy tín giữ vai trò đặc biệt quan trọng, họ không chỉ am hiểu phong tục, tập quán dân tộc mà còn truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử và nguồn gốc dân tộc cho thế hệ trẻ, nuôi dưỡng lòng tự hào và tinh thần dân tộc.
Ông Trần Trọng Năm, Trưởng Ban công tác mặt trận và là người có uy tín tại thôn Vĩnh Ninh, xã Đạo Trù (Tam Đảo) chia sẻ: “Giữ gìn bản sắc văn hóa là trách nhiệm của cả cộng đồng. Tôi luôn nhắc nhở bà con và dặn dò con cháu trân trọng, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống, cùng nhau bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc”.
Nhờ những người uy tín như ông Năm, các lễ hội truyền thống và làn điệu Soọng cô của đồng bào Sán Dìu cùng nhiều nghi lễ tôn giáo được duy trì, tạo nên sự gắn kết cộng đồng và nền tảng vững chắc cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Không chỉ gìn giữ văn hóa, người có uy tín còn đóng vai trò quan trọng trong định hướng, hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế.
Ông Phó Văn Tám, người có uy tín tại thôn Thanh Cao, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên đã vận động nhân dân phát triển lâm nghiệp, dịch vụ - thương mại và du lịch để tăng thêm thu nhập.
Ông Tám cho biết: “Khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, ngoài việc vận động bà con tập trung phát triển kinh tế đồi rừng và chăn nuôi, tôi đã cùng với cán bộ thôn, xã động viên người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đầu tư, mở rộng kinh doanh du lịch để vừa tăng thu nhập vừa quảng bá văn hóa địa phương”.
Sự nỗ lực của ông Tám và những người có uy tín khác đã giúp thu nhập của nhiều hộ dân được cải thiện, đời sống ổn định hơn và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đánh giá về vai trò của người có uy tín trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng chí Bùi Thị Thu Hằng, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cho biết: “Người có uy tín là điểm tựa tinh thần vững chắc, không chỉ giúp duy trì bản sắc văn hóa mà còn đóng góp rất lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh việc gìn giữ văn hóa và hỗ trợ phát triển kinh tế, người có uy tín đóng vai trò là cầu nối để truyền đạt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới người dân, giúp bà con hiểu và thực hiện đúng. Qua đó xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy sự phát triển toàn diện, nâng cao đời sống của người dân vùng DTTS và miền núi".
Với những đóng góp to lớn, người có uy tín tại các địa phương đã tạo nên một cộng đồng ổn định, đoàn kết và phát triển bền vững, góp phần vào sự thịnh vượng và phát triển của tỉnh.
Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đạt gần 57 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,09%.
Thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các cấp chính quyền tiếp tục phối hợp chặt chẽ để phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Trong đó, chú trọng triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực của những người có uy tín để họ tiếp tục hỗ trợ bà con hiệu quả hơn, đặc biệt là trong việc thích ứng với các mô hình kinh tế mới và hội nhập văn hóa trong phát triển du lịch.
Bích Huệ