Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, có bề dày truyền thống văn hóa, cách mạng và có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Toàn tỉnh có 11 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Đồng bào DTTS sinh sống tập trung chủ yếu ở ven dãy núi Tam Đảo và núi Sáng của 5 huyện, thành phố Phúc Yên, Bình Xuyên, Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô.
Toàn tỉnh có 40 thành phần DTTS, chủ yếu là các dân tộc Sán Dìu, Cao Lan, Nùng, Dao, Tày, Mường, Thái… Mỗi DTTS có tập tục, sắc thái văn hóa riêng, nhưng tựu chung đều có một tinh thần yêu nước, cần cù trong lao động sản xuất, anh dũng trong chiến đấu, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm đến công tác dân tộc, coi công tác dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Trong 5 năm qua (2019 - 2024), Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai kịp thời, có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc và miền núi.
Giai đoạn 2019 - 2024, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển nhanh, toàn diện và bền vững vùng DTTS và miền núi như Kết luận số 65 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 10 của Chính phủ về ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 1657 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045...
Các chính sách, chương trình, dự án được thực hiện trên địa bàn tỉnh như Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2020; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ DTTS nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 2085 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS theo Quyết định số 12 được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ... luôn được triển khai kịp thời, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào vùng DTTS và miền núi.
Các dự án thuộc Chương trình 135 trong 2 năm 2019 - 2020 như Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, dự án phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, dự án đào tạo nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng... được thực hiện đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội các thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh, trình độ và năng lực sản xuất được nâng cao. Đến hết năm 2020, các thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành mục tiêu và ra khỏi Chương trình 135. Từ năm 2021, Vĩnh Phúc không còn xã, thôn thuộc Chương trình 135.
Từ năm 2019 - 2020, thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ DTTS nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 2085 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã thực hiện đã hỗ trợ cho vay đối với 101 hộ, kinh phí 7 tỷ đồng; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán (hỗ trợ tạo nguồn nước) cho 493 hộ, kinh phí 739,5 triệu đồng; hỗ trợ đào tạo nghề cho hàng trăm đối tượng đồng bào DTTS; hỗ trợ giải quyết các thủ tục về đất ở cho 103 hộ...
Nhằm phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 2019 đến nay, UBND tỉnh đã đầu tư 2.940 triệu đồng để thực hiện chế độ, chính sách đối với người có uy tín.
Hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các ngành, các huyện, thành phố tổ chức thực hiện các nội dung như thăm hỏi, tặng quà, chúc Tết Nguyên đán, Tết của đồng bào các dân tộc cho người có uy tín; hỗ trợ vật chất khi người có uy tín ốm đau và qua đời; cấp Báo Vĩnh Phúc, Báo Dân tộc và Phát triển và một số ấn phẩm cho người có uy tín; tổ chức gặp mặt, trao đổi, cung cấp thông tin cho người có uy tín; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức phù hợp với người có uy tín; tổ chức cho người có uy tín được tham quan, học tập kinh nghiệm tại tỉnh ngoài.
Qua đó động viên, khích lệ người có uy tín, nhằm phát huy vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng DTTS và miền núi.
Thực hiện Quyết định số 498 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án giảm thiểu tình trạng hôn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng DTTS giai đoạn 2025 - 2025; Quyết định số 1136 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2017 - 2021”; Thực hiện Quyết định số 1898 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018 - 2025, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng triển khai thực hiện; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn cho hàng nghìn lượt người dân vùng DTTS và miền núi.
Qua các buổi tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng DTTS trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân, gia đình, bình đẳng giới và các vấn đề về giới… góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS, nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới cho người dân.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I, từ năm 2021 - 2025, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 946 về việc phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2025.
Đến nay, hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình tại tỉnh cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu theo Quyết định số 1719 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó: Về thu nhập bình quân đầu người, đã vượt mục tiêu, tăng hơn 1,2 lần so với năm 2020; về giảm tỷ lệ hộ nghèo, đã vượt mục tiêu so với kế hoạch, dự kiến đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm còn 0,89%…
Ngoài việc thực hiện các chính sách trên, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo ban hành và triển khai hiệu quả nhiều nghị quyết về giảm nghèo, giải quyết việc làm, hỗ trợ đào tạo, dạy nghề; về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Làng văn hóa kiểu mẫu…
Đồng thời lồng ghép nhiều chương trình, dự án, chính sách của tỉnh đối với vùng DTTS và miền núi về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, phát triển nông nghiệp nông thôn.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm đến các chính sách về văn hóa, giáo dục. Trong 5 năm qua, cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học vùng DTTS và miền núi được đầu tư ngày càng khang trang; đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng được chuẩn hóa; chất lượng giáo dục được nâng lên, công tác xã hội hóa giáo dục - đào tạo được thực hiện tích cực.
Đến nay, 100% xã miền núi có trường mẫu giáo, trường tiểu học, trường THCS được kiên cố hóa, trong đó có nhiều trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường ở các cấp học đều tăng, năm học 2023 - 2024, bậc mầm non, tiểu học và THCS ra trường đạt 100%, tỷ lệ học sinh được đào tạo trình độ THPT và tương đương đạt 80,5%. Tỷ lệ học sinh DTTS đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp ngày càng tăng.
Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh việc phục vụ văn hóa tinh thần cho đồng bào DTTS; chú trọng việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc như hát Soọng cô (dân tộc Sán Dìu), hát Sình Ca (dân tộc Cao Lan)...; các lễ hội truyền thống như Lễ hội Xuống đồng (dân tộc Cao Lan); nghiên cứu, đề xuất các phương án bảo tồn văn hóa của người dao ở huyện Sông Lô...
Công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con vùng DTTS luôn được Nhà nước quan tâm. Đến nay 100% trạm y tế xã, thị trấn có bác sĩ; 100% thôn bản có nhân viên y tế; 11/11 xã vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn quốc gia về y tế. Thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào DTTS đến nay đạt tỷ lệ hơn 94,5%, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng các dịch vụ y tế. Công tác y tế dự phòng và kiểm soát dịch bệnh được quan tâm, nhờ đó các loại dịch bệnh nguy hiểm đối với người dân được khống chế kịp thời.
Các chương trình, chính sách được triển khai đồng bộ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự thay đổi bộ mặt nông thôn vùng DTTS và miền núi.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng; sản xuất nông - lâm - thủy sản bước đầu phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng; các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, có chuyển biến tích cực cả về quy mô, cơ cấu và chất lượng; số hộ nghèo giảm nhanh; tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS và miền núi giảm còn 0,89%.
Có thể khẳng định, 5 năm qua, vùng DTTS và miền núi đã có nhiều chuyển biến vượt bậc, nền kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, quốc phòng - an ninh được củng cố; bản sắc văn hóa được duy trì và phát huy; hệ thống chính trị ngày càng củng cố và phát triển về chất lượng; khối đại đoàn kết giữa các dân tộc luôn được tăng cường...
Những kết quả trên đã góp phần thay đổi diện mạo vùng DTTS và miền núi của tỉnh. Đến nay, kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi đã có bước phát triển cơ bản toàn diện, không còn khu vực đặc biệt khó khăn, không có xã khu vực II; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS được nâng cao, hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng đều đạt và vượt mức kế hoạch Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế như so với mặt bằng chung của toàn tỉnh, kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi phát triển chậm hơn, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức bình quân chung của toàn tỉnh. Trình độ dân trí chưa cao; một số giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang có nguy cơ bị mai một như tiếng nói, chữ viết, trang phục.
Kết quả công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững, đồng bào các DTTS chưa biết cách khai thác, phát huy lợi thế vốn có của vùng. Khoảng cách phát triển giữa vùng đồng bào DTTS và miền núi với các vùng khác trong tỉnh vẫn có sự chênh lệch; tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế chưa đạt kế hoạch.
Cơ sở hạ tầng đã được quan tâm đầu tư, song nhìn chung vẫn chưa đồng bộ, như; công tác quản lý, sử dụng công trình sau đầu tư còn nhiều hạn chế, bất cập, một số công trình hạ tầng sau khi đưa vào sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng. Việc bố trí kinh phí để thực hiện duy tu, bảo dưỡng công trình không được thực hiện, tuổi thọ của công trình giảm, không phát huy được hiệu quả.
Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được thực hiện, nhưng tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong ngành nông - lâm nghiệp còn chậm so với yêu cầu, sự hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh nông nghiệp chưa rõ nét, kinh tế nông nghiệp, dịch vụ và du lịch chưa phát huy hết được tiềm năng thế mạnh của vùng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa của địa phương còn thấp, việc mở rộng sản xuất còn hạn chế.
Công tác vận động, tuyên truyền đã được cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp quan tâm thực hiện, nhưng có mặt còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; một bộ phận nhân dân vùng DTTS còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước, chưa có ý chí nỗ lực vươn lên thoát nghèo, phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống.
Công tác quy hoạch, đào tạo nguồn cán bộ là người DTTS đã được quan tâm, nhưng việc bồi dưỡng và bố trí sử dụng để phát huy vai trò của cán bộ là người DTTS chưa đáp ứng được yêu cầu.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là do vùng DTTS và miền núi của tỉnh có điều kiện về địa hình, tự nhiên khó khăn, chịu ảnh hưởng mạnh khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh; diện tích đất canh tác ngày càng ít, các ngành nghề phụ không phát triển...; còn khó khăn trong việc tiếp cận với các loại hình dịch vụ tiên tiến, hiện đại; tập quán sản xuất, sinh hoạt chưa đảm bảo phù hợp so với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ hiện đại.
Nhận thức về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và chính sách dân tộc ở một số ngành, địa phương chưa toàn diện, sâu sắc; dự phối hợp của một số cấp, ngành trong quản lý Nhà nước về công tác dân tộc còn chưa đồng bộ, chặt chẽ; trách nhiệm và sự vào cuộc của một số cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác dân tộc chưa cao.
Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện một số chính sách còn chậm, chưa phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của địa phương, nên quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn. Một số chương trình, chính sách dân tộc đề ra mục tiêu không phù hợp với điều kiện tình hình thực tế của địa phương dẫn đến tình trạng mục tiêu chính sách thiếu tính khả thi hoặc mục tiêu đề ra thấp hơn so với hiện trạng thực tế, không mang lại hiệu quả chính sách.
Bộ máy cán bộ làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở chưa đồng bộ, lực lượng còn mỏng. Cán bộ làm công tác dân tộc ở cơ sở (trừ cán bộ của Phòng Dân tộc huyện Tam Đảo) đều là kiêm nhiệm. Một số cán bộ trình độ, năng lực còn hạn chế, kinh nghiệm công tác ít, trách nhiệm với công việc chưa cao, chưa thật sự chủ động, sáng tạo trong công việc.
Một bộ phận cán bộ và nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi chưa thật sự nỗ lực vươn lên, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Trong thời gian tới, để công tác dân tộc được triển khai có hiệu quả, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau đây:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc đối với các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng DTTS và miền núi.
Hai là, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để đồng bào tích cực tham gia xây dựng, thực hiện giám sát việc thi hành chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương.
Ba là, tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo đồng bộ, hiện đại hóa; huy động tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, sự hỗ trợ của tỉnh để đầu tư cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ kinh tế - xã hội.
Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người DTTS, đảm bảo đội ngũ cán bộ là người DTTS có đủ năng lực, trình độ, trí tuệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người DTTS; huy động nguồn lực để thực hiện đào tạo và giải quyết việc làm cho người DTTS; tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp để thực hiện việc tuyển dụng, đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Năm là, đẩy mạnh việc xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về phát triển kinh tế - xã hội, gắn phát triển sản xuất với phát triển du lịch, dịch vụ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS, trong đó đặc biệt chú trọng các mô hình phát huy nội lực, khắc phục tính ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước của một bộ phận đồng bào.
Sáu là, chăm lo giải quyết các chính sách xã hội, ổn định đời sống nhân dân trên địa bàn vùng DTTS và miền núi; tăng cường đầu tư các dịch vụ để năng cao mức sống của nhân dân, giúp người nghèo tăng khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công cộng, nhất là y tế, văn hóa, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nước sinh hoạt… để người dân yên tâm sinh sống, ổn định sản xuất.
Bảy là, kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở; đảm bảo an ninh chính trị cơ sở; ngăn ngừa các hoạt động truyền đạo trái phép, các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Với niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong hệ thống chính trị, đồng bào các DTTS tỉnh phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ra sức lao động, sáng tạo, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, làm giàu chính đáng; giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng quê hương Vĩnh Phúc ngày càng giàu đẹp, góp phần cùng nhân dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Hoàng Anh
(Phó trưởng ban phụ trách Ban Dân tộc tỉnh)