Qua việc nắm bắt công tác tổ chức bếp ăn bán trú tại một số trường học, phóng viên ghi nhận chất lượng bữa ăn của học sinh đã được các nhà trường quan tâm, nâng cao hơn trước. Tuy nhiên, ở một số bếp ăn còn tình trạng sử dụng bột ngọt (mì chính), hạt nêm có tên gọi “lạ”, na ná các sản phẩm có thương hiệu trên thị trường. Điều này khiến người tiêu dùng dễ nhầm tưởng với các sản phẩm chất lượng, dấy lên sự hoài nghi về hàng hóa kém chất lượng, thậm chí là hàng giả như đường dây sản xuất sữa, thực phẩm chức năng giả vừa được cơ quan công an phát hiện.
Mập mờ thương hiệu
Hiện nay, công tác tổ chức bữa ăn bán trú ở các nhà trường được Ban Giám hiệu quan tâm, cắt cử cán bộ chuyên trách, nhân viên y tế phụ trách giám sát khâu nhập thực phẩm tươi sống, chế biến tại các bếp ăn. Tuy nhiên, mặt hàng đồ khô như mì chính, hạt nêm, nước mắm, dầu ăn… lại chưa được chú trọng đúng mức, dẫn đến việc một số bếp ăn còn sử dụng các loại gia vị chưa có thương hiệu rõ ràng.
Thay vì đưa vào các bếp ăn những sản phẩm có thương hiệu, được bán công khai, rộng rãi tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, đại lý phân phối như Ajinomoto, Aji-ngon… thì các sản phẩm được dùng tại một số bếp ăn lại có tên na ná như trên và không được bán rộng rãi trên thị trường.
Tại một bếp ăn ở trường tiểu học thuộc huyện Bình Xuyên, phóng viên ghi nhận doanh nghiệp cung cấp suất ăn sử dụng mì chính nhãn hiệu “Micomoto” khá lạ mắt, lạ tai. Theo thông tin trên bao bì sản phẩm, nhà máy đóng gói mì chính “Micomoto” tại huyện Yên Lạc. Sản phẩm không được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường, được nhà máy đóng gói, phân phối trực tiếp cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tiêu thụ.

Các sản phẩm có tên gọi na ná thương hiệu lớn, không được bán rộng rãi trên thị trường cần sớm được thanh, kiểm tra.
Thâm nhập cơ sở đóng gói mì chính “Micomoto” ở huyện Yên Lạc chúng tôi nhận thấy, mặc dù trên bao bì sản phẩm ghi là “nhà máy đóng gói” nhưng thực tế quy mô nhà xưởng chỉ rộng khoảng hơn 100 m2, nằm trong khuôn viên doanh nghiệp. Tại thời điểm chúng tôi có mặt, nhà xưởng không có hoạt động đóng gói mì chính.
Theo đại diện chủ cơ sở sản xuất, do sức tiêu thụ cầm chừng (khoảng 1-2 tấn/tháng) nên thỉnh thoảng xưởng mới tổ chức cho công nhân đóng gói. Khi được hỏi, người này cho biết, nguồn mì chính được lấy từ Trung Quốc về và đóng gói vào các túi có trọng lượng từ 1-3kg. Thương hiệu “Micomoto” do chủ cơ sở sản xuất tự đăng ký tên, công bố bản quyền vào năm 2023.
Khảo sát sản phẩm “Micomoto” trên thị trường, nhiều chủ đại lý phân phối, cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa không biết loại mì chính này. Thậm chí, vào Google tìm kiếm tên “Micomoto” cũng không cho ra từ khóa. Đặc biệt, nếu các loại mì chính như Ajinomoto, Miwon… có giá 86.000-88.000 đồng/kg thì đối với loại “Micomoto” này rất rẻ, chỉ có 38.000 đồng/kg, chưa bằng ½ giá các loại mì chính có thương hiệu trên thị trường.
Tương tự, cũng tại một số bếp ăn bán trú ở huyện Bình Xuyên, chúng tôi ghi nhận có loại hạt nêm “Bếp Vua” được sử dụng nấu ăn hằng ngày. Sản phẩm này cũng không được bán rộng rãi trên thị trường, tìm kiếm thông tin về hạt nêm “Bếp Vua” trên Google cũng không ra, chỉ có sản phẩm “Vua Bếp” hay “Vua đầu bếp” của hãng Miwon.

Sản phẩm hạt nêm "Bếp Vua" được sử dụng trong một số bếp ăn bán trú ở huyện Bình Xuyên.
Cần thanh, kiểm tra các sản phẩm trôi nổi trên thị trường
Có thể thấy, việc các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, đóng gói mì chính, hạt nêm lấy tên gọi na ná những sản phẩm có thương hiệu lớn rất dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Khi được hỏi nguồn gốc tên gọi sản phẩm hạt nêm “Bếp Vua”, doanh nghiệp cung cấp suất ăn bán trú có gửi cho chúng tôi bản tự công bố sản phẩm.
Tuy nhiên, phải khẳng định, những bản công bố sản phẩm này là điều kiện bắt buộc đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và việc cấp phép thủ tục này không khó. Vấn đề là kết quả kiểm nghiệm về mặt định lượng chỉ tiêu của các sản phẩm này như thế nào đối với bản công bố mới là điều quan trọng. Nếu kết quả đạt dưới 70% so với mức công bố là đủ cơ sở để xác định sản phẩm là hàng giả theo quy định.
Nhìn lại vụ việc sữa giả vừa bị lực lượng chức năng phát hiện, khởi tố cho thấy, rất nhiều tên gọi của các sản phẩm cũng được đặt na ná hàng hóa có thương hiệu như Celac, Nance, Nutrlkao, HiIQ, Kidsplus… khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn.
Hay mới đây, lực lượng chức năng bắt giữ hàng nghìn tấn bột nêm, dầu ăn, mì chính giả của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) cho thấy, các sản phẩm của doanh nghiệp này cũng có những cái tên nghe vừa quen, vừa lạ do “nhái” thương hiệu. Ví dụ, mặt hàng mì chính luôn có chữ “moto”, hay hạt nêm cũng có chữ “Bếp” là thương hiệu của một số nhãn hàng lớn.
Các sản phẩm sữa, mì chính, hạt nêm giả nêu trên đều được doanh nghiệp tự công bố sản phẩm, song qua kết quả trưng cầu giám định cho thấy thành phần, định lượng, định tính, giá trị dinh dưỡng trong các sản phẩm không đạt so với các chỉ tiêu công bố hoặc chỉ tiêu ghi trên nhãn sản phẩm.
Có một điểm chung đối với những sản phẩm giả, có tên gọi na ná các thương hiệu trong nước đó là hàng hóa đều có đầy đủ giấy tờ, thủ tục theo quy định pháp luật nhưng lại không được phân phối chính ngạch qua siêu thị, đại lý chính thức, chuỗi bán lẻ có kiểm soát. Do đó, người tiêu dùng cần thận trọng, cân nhắc khi mua và sử dụng các sản phẩm “nhái” thương hiệu trôi nổi ngoài thị trường. Nên dùng các sản phẩm chính hãng, được công nhận là hàng Việt Nam chất lượng cao, có bày bán tại các siêu thị.
Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2025, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát các loại sản phẩm, hàng hóa có dấu hiệu “nhái” thương hiệu trên thị trường, đặc biệt là tại các bếp ăn bán trú, bếp ăn công nghiệp để kịp thời phát hiện hàng nhái, hàng giả kém chất lượng được sử dụng trong các bữa ăn của học sinh, công nhân và người lao động.
Bài, ảnh: Hà Trần