Vĩnh Phúc hiện có 27 làng nghề đã được công nhận. Sự phát triển của các làng nghề đã và đang góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội (KT - XH) trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động sản xuất tại các làng nghề đã và đang phát sinh nhiều loại chất thải nhưng công tác quản lý, xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường lại chưa được các hộ, doanh nghiệp (DN) tại các làng nghề chú trọng đầu tư.
HTX Cơ khí Hải Dương, xã Lý Nhân (Vĩnh Tường) đầu tư trang thiết bị hiện đại, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nghề rèn truyền thống, giúp giảm thiểu chất thải, khí thải ra môi trường. Ảnh Thế Hùng
Có mặt tại gia đình ông Kiều Đức Dũng, xã An Tường (Vĩnh Tường), chúng tôi nhận thấy, ngay tại cửa chính của gia đình đã được “căng rèm” rất cẩn thận; ngoài sân, cũng là nơi sản xuất đồ gỗ đã được đầu tư, lắp đặt lò hút bụi, thế nhưng ông Dũng vẫn than thở:
"Chuyên gia công đồ gỗ nội, ngoại thất cho các DN, cơ sở sản xuất nên ngày công của cả hai vợ chồng cũng chẳng được là bao, song để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, năm 2020, gia đình tôi đã tự mua, lắp đặt lò hút bụi gỗ. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời bởi bụi gỗ không được xử lý triệt để; hằng ngày chúng tôi vẫn sống chung với bụi, đêm ngủ vẫn nằm trên bụi".
Sát vách với gia đình ông Dũng, hộ ông Kiều Đức Kẹ cũng chuyên gia công đồ gỗ cho các đơn vị sản xuất lớn, thu nhập đạt khoảng trên 150 triệu đồng/năm nhưng may mắn hơn, năm 2022, hộ ông Kẹ được xã hỗ trợ quạt hút bụi.
Ông Kẹ chia sẻ: "So với trước đây, bụi gỗ đã giảm thiểu đáng kể, đặc biệt bụi không bay ra đường làng, ngõ xóm, góp phần giảm bớt ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đây cũng không phải là giải pháp lâu dài. Thời gian tới, rất mong các cấp, các ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ giúp các hộ làm nghề được sản xuất sạch, tạo lập các làng nghề xanh".
Bà Đàm Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch xã An Tường cho biết: Những năm gần đây, sản phẩm mộc tại hai làng nghề truyền thống của xã thu hút đông đảo khách hàng, được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong và ngoài nước, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.
Thúc đẩy phát triển các làng nghề, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ, cơ sở, DN mạnh dạn đầu tư, đổi mới thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Năm 2022, xã đã thực hiện mô hình hỗ trợ quạt hút bụi cho 65 hộ làm nghề trên địa bàn. Hiện toàn xã có khoảng 70% số hộ gia đình làm nghề lắp đặt lò hút bụi gỗ.
Thời gian tới, rất mong các cấp, các ngành chức năng quan tâm, sớm thực hiện xây dựng cụm công nghiệp làng nghề Bích Chu - Thủ Độ giúp người dân, DN có mặt bằng rộng rãi để sản xuất, đầu tư, lắp đặt các trang thiết bị, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Từ năm 2006, làng rèn Bàn Mạch - Lý Nhân (Vĩnh Tường) đã được công nhận làng nghề truyền thống, đến nay, các sản phẩm của làng nghề đã có mặt mọi nơi từ Bắc vào Nam, xuất khẩu sang Lào, Campuchia.
Nghề rèn không những là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình mà còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều lao động tại xã và các vùng lân cận. Hiện nay, làng nghề rèn truyền thống Bàn Mạch đã xây dựng một khu sản xuất riêng, tách rời khỏi khu dân cư. Các hộ sản xuất đã mạnh dạn đầu tư, lắp đặt các máy móc, thiết bị hiện đại để tránh tiếng ồn và bảo vệ môi trường (BVMT).
Ông Phùng Văn Đô, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Rèn thanh niên xã Lý Nhân chia sẻ: Cùng với các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, thời gian qua, HTX đã đầu tư, lắp đặt các loại máy móc, thiết bị hiện đại góp phần BVMT. Đồng thời, căng lưới chắn bụi, xây dựng ống khói cao tại các lò nung...
Chủ động sản xuất sạch hơn sẽ giúp HTX ngày càng phát triển, hiện nay, HTX đang tạo việc làm cho 10 lao động, thu nhập trung bình khoảng 7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2022, dù gặp không ít khó khăn, song doanh thu của HTX vẫn cao hơn năm trước.
Những năm qua, Vĩnh Phúc luôn coi việc phát triển làng nghề là nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển KT - XH của tỉnh; chỉ đạo quy hoạch thành lập các CCN, làng nghề sản xuất tập trung để từng bước di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư.
Đồng thời, ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ sở sản xuất trong làng nghề đầu tư xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý chất thải, nước thải.
Giai đoạn 2015 - 2016, tỉnh triển khai Dự án "Hỗ trợ nhân rộng mô hình xử lý bụi gỗ, bụi sơn tại các làng nghề mộc" với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ đồng. Dự án được triển khai thí điểm tại 5 xã, thị trấn với 180 lò hút bụi được xây dựng, lắp đặt tại 12 làng nghề, góp phần giảm thiểu từ 80 - 90% lượng bụi gỗ, bụi sơn thải ra môi trường, có điều kiện tận dụng bụi gỗ làm chất đốt, phân hữu cơ.
Sản xuất sạch được áp dụng tại các DN đã và đang đem lại những hiệu quả thiết thực. Đây cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu góp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế, phát triển SXKD bền vững.
Thời gian tới, cần hơn những cơ chế, chính sách hỗ trợ của các cấp, các ngành chức năng để khuyến khích các hộ, cơ sở, DN trên địa bàn đầu tư lắp đặt, ứng dụng sản xuất sạch hơn.
Hồng Tính