Với quan điểm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, xã hội đang hướng đến chăm sóc sức khỏe chủ động nhằm phòng ngừa bệnh tật thông qua các biện pháp như duy trì lối sống khỏe mạnh, kiểm tra sức khỏe định kỳ, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường luyện tập thể dục, thể thao (TDTT)…
Để nâng cao sức khỏe cho bản thân và các thành viên trong gia đình, chị Nguyễn Thị Hạnh, phường Liên Bảo (Vĩnh Yên) luôn cố gắng xây dựng chế độ ăn uống khoa học, sử dụng các thực phẩm lành mạnh, chú trọng đảm bảo dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn. Ngoài ra, mỗi thành viên trong gia đình đều duy trì luyện tập các môn thể thao phù hợp với thể trạng và lứa tuổi.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ là biện pháp chăm sóc sức khỏe chủ động hiệu quả, giúp chẩn đoán, phát hiện sớm các bệnh lý. Ảnh: Trà Hương
Chị Hạnh cho biết: “Thay vì để đến khi đau ốm, bệnh tật mới tìm cách chữa trị gây tốn kém về thời gian và tiền bạc, tôi đã chủ động chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật từ việc duy trì thói quen sinh hoạt, lối sống lành mạnh.
Đối với thực phẩm, tôi chú trọng mua các loại thực phẩm hữu cơ, sử dụng rau, củ, quả theo mùa; trong các bữa ăn, đảm bảo cân đối các nhóm dinh dưỡng, sử dụng các loại thảo mộc thiên nhiên thay thế cho một số gia vị nấu nướng. Hằng ngày, tôi đều dành thời gian khoảng 1 tiếng để tập yoga, chồng và các con tôi cũng duy trì luyện tập TDTT thường xuyên”.
Nhờ phát hiện sớm bị ung thư tuyến giáp qua kiểm tra sức khỏe định kỳ, bệnh của chị Vũ Thị Mai, phường Khai Quang (Vĩnh Yên) đã được điều trị thành công và nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Chị Mai cho biết: “May mắn là tôi có thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm nên phát hiện được bệnh ở giai đoạn đầu. Qua lần này tôi càng nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc kiểm tra sức khỏe định kỳ và thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền người thân, bạn bè đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện các bệnh lý từ giai đoạn sớm, giúp tăng cơ hội điều trị và phục hồi”.
Sức khỏe được xem là tài sản quý giá nhất của con người, tuy nhiên, theo thời gian, tuổi tác càng tăng thì sức khỏe của mỗi người sẽ có sự suy giảm.
Bên cạnh đó, môi trường, áp lực công việc, chế độ ăn uống, thói quen thức khuya, ít vận động… cũng là những yếu tố tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Việc chủ động chăm sóc từ sớm có thể tạo “lá chắn” bảo vệ cơ thể, duy trì sức khỏe bền lâu, hạn chế nguy cơ bệnh tật và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Theo các chuyên gia y tế, chăm sóc sức khỏe chủ động, người dân nên khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường có nguy cơ tiến triển thành bệnh lý.
Bên cạnh đó, việc chăm sóc sức khỏe chủ động cần được thực hiện thông qua chế độ dinh dưỡng, chế độ vận động, xây dựng thói quen sống lành mạnh như ngủ sớm, ngủ đủ giấc; xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, ăn đa dạng các nhóm chất, hạn chế đồ ăn nhanh, chiên rán, đồ uống có cồn, tăng cường rau xanh, trái cây, không hút thuốc lá; duy trì việc luyện tập TDTT thường xuyên, lựa chọn thời gian vận động thích hợp với những bộ môn phù hợp với sức khỏe để giúp cơ thể tăng cường lưu thông khí huyết, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tăng sức đề kháng.
Chia sẻ về lợi ích của chăm sóc sức khỏe chủ động, nhất là tầm quan trọng của việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Thu Trang, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Khi áp dụng các nguyên tắc ăn uống khoa học, duy trì một lối sống khoa học, có chế độ tập luyện phù hợp sẽ giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ bệnh tật.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ có ý nghĩa quan trọng, giúp mỗi người nắm bắt được những nguy cơ phát sinh bệnh tật.
Thông qua các kết quả, bác sĩ sẽ đánh giá các chỉ số cơ thể để tư vấn, dự báo về nguy cơ bệnh tật, đưa ra các phương án phòng ngừa hiệu quả nhất; đồng thời tư vấn những biện pháp thay đổi lối sống, kiểm soát trọng lượng cơ thể hay bổ sung các dưỡng chất cần thiết phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi người nên khám sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng, 1 năm hoặc thường xuyên hơn tùy vào tuổi tác, tiền sử bệnh, các yếu tố nguy cơ sức khỏe và tình trạng sức khỏe hiện tại. Có rất nhiều người tưởng sức khỏe vẫn bình thường nhưng khi đến khám tại bệnh viện thì phát hiện ra nhiều bệnh mà trước đó chưa hề có triệu chứng.
Vì thế, khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp chúng ta phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn gây bệnh một cách sớm nhất để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Đồng thời giúp chẩn đoán và phát hiện sớm các bệnh lý, đặc biệt với những bệnh nan y như tiểu đường, ung thư, suy thận hay các bệnh về tim mạch… giúp người bệnh tăng cơ hội điều trị; rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí điều trị”.
Không chỉ đem lại những lợi ích to lớn về sức khỏe, kinh tế cho mỗi cá nhân, gia đình, chăm sóc sức khỏe chủ động còn góp phần giảm tải áp lực lên hệ thống y tế, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực y tế, tăng cường sức lao động cho xã hội và tăng trưởng nền kinh tế.
Do đó, các cấp, ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi người dân nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa và sớm áp dụng các biện pháp chủ động chăm sóc sức khỏe phù hợp, góp phần đẩy lùi bệnh tật, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Lê Mơ