Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là bệnh lý cấp tính nguy hiểm, có nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề cho người bệnh nếu không được xử lý kịp thời. Vì vậy, người dân cần chú ý theo dõi sức khỏe khi thời tiết trở lạnh để phòng tránh những nguy cơ có thể xảy ra.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa tiếp nhận một bệnh nhân hơn 40 tuổi nhập viện trong tình trạng huyết áp tăng cao và chóng mặt. Qua thăm khám và chụp cắt lớp vi tính, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị xuất huyết não thể nhẹ.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm khám, kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân đột quỵ. Ảnh: Dương Chung
Nhờ được điều trị kịp thời, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã có những chuyển biến tích cực và đang được phục hồi chức năng.
Theo thống kê của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong 2 tháng trở lại đây, lượng bệnh nhân nhập viện do đột quỵ có xu hướng gia tăng. Đa số các bệnh nhân bị đột quỵ vào nửa đêm hoặc sáng sớm khi nhiệt độ xuống thấp.
Những đối tượng có nguy cơ cao bị đột quỵ gồm người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì…; trong đó, số người dưới 50 tuổi bị đột quỵ có xu hướng gia tăng do không kiểm tra sức khỏe định kỳ, dẫn đến việc không phát hiện các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn.
Giải thích lý do đột quỵ gia tăng vào mùa lạnh, bác sĩ Lê Đức Toàn, Đơn nguyên Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Khi gặp thời tiết lạnh, cơ thể không thích nghi kịp, mạch máu giảm tính đàn hồi, lòng mạch bị thu hẹp làm lưu lượng máu đến não kém. Khi mạch máu co lại dễ làm tăng huyết áp, tăng áp lực trong lòng mạch, gây đứt, vỡ mạch máu não dẫn đến xuất huyết não, đột quỵ.
Một nguyên nhân khác dễ dẫn đến đột quỵ vào mùa lạnh là do số lượng hồng cầu, tiểu cầu tăng lên làm tăng độ đặc quánh của máu, từ đó làm tăng nguy cơ bị tắc nghẽn mạch máu. Đặc biệt, ở những người bị xơ vữa động mạch, mức cholesterol cao khiến khả năng hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu càng cao.
Các yếu tố nguy cơ khác như thói quen hút thuốc lá, uống rượu, bia trong mùa lạnh, ăn uống không điều độ cũng làm tăng áp lực lên hệ tim mạch. Ngoài ra, việc ít vận động trong mùa đông cũng khiến tình trạng sức khỏe tổng thể suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ.
Theo thống kê hằng năm của các cơ sở y tế, đột quỵ do thiếu máu cục bộ hay còn gọi là cục máu đông, chiếm khoảng 87% tổng số trường hợp bị đột quỵ. Cục máu đông được hình thành trong mạch máu sẽ làm tắc nghẽn mạch máu, khiến não bị thiếu máu cục bộ. Khi các tế bào não chết đi, các triệu chứng như mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu dữ dội, giảm thị lực, thậm chí là liệt nửa người, khó nói... sẽ xảy ra.
Đột quỵ là bệnh lý cấp tính, có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, không có dấu hiệu báo trước. Đột quỵ giai đoạn sớm thường bắt đầu bởi các triệu chứng như xây xẩm chóng mặt, mặt lệch, tê yếu tay chân, thậm chí liệt, đi không vững hay méo miệng, nói khó, nuốt nghẹn, uống sặc, mắt mờ…
Để giảm nguy cơ đột quỵ trong thời tiết lạnh, các bác sĩ khuyến cáo giữ ấm cơ thể là ưu tiên hàng đầu, bao gồm việc mặc quần áo đủ ấm, sử dụng chăn ấm khi ngủ và tránh để cơ thể bị nhiễm lạnh đột ngột, đặc biệt khi bước ra khỏi giường vào sáng sớm.
Kiểm soát bệnh nền, đặc biệt là các bệnh lý như huyết áp cao rất quan trọng. Người có bệnh nền cần thường xuyên kiểm tra chỉ số huyết áp và tuân thủ việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để ổn định tình trạng sức khỏe.
Việc bỏ thuốc lá, hạn chế rượu, bia và duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch mà còn giảm nguy cơ đột quỵ một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần duy trì tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn giúp tăng cường tuần hoàn máu, cải thiện sức khỏe toàn diện; khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu nguy hiểm và xử trí kịp thời.
Ngoài ra, kiểm soát căng thẳng cũng là yếu tố quan trọng. Cuộc sống hiện đại nhiều áp lực có thể khiến nguy cơ đột quỵ tăng cao, đặc biệt ở người trẻ. Việc nghỉ ngơi hợp lý và tham gia các hoạt động giải trí tích cực sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ này.
Minh Nguyệt