Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là cơ sở pháp lý để tổ chức Công đoàn tham gia bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho đoàn viên, người lao động (NLĐ). Vì vậy, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã nâng cao hiệu quả hoạt động đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT với những điều khoản có lợi hơn cho NLĐ, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; giúp NLĐ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp.
Thực hiện tốt việc ký kết TƯLĐTT giúp người lao động tại Công ty TNHH Công nghiệp Chính xác Việt Nam 1 (Vĩnh Yên) yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp. Ảnh: Dương Chung
Để thúc đẩy các hoạt động đối thoại, ký kết TƯLĐTT trong doanh nghiệp, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động như đẩy mạnh thành lập tổ chức Công đoàn trong các doanh nghiệp nhằm thực hiện vai trò cầu nối giữa người sử dụng lao động và NLĐ; hướng dẫn Công đoàn cơ sở (CĐCS) chủ động phối hợp, đề xuất với doanh nghiệp thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức đối thoại theo quy định.
Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kinh nghiệm trong công tác đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động cho cán bộ CĐCS; phối hợp với chính quyền các cấp đôn đốc doanh nghiệp chủ động đối thoại để giải quyết những khó khăn, vướng mắc với NLĐ…
Đến nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã duy trì tốt việc ký kết và thực hiện TƯLĐTT; đồng thời thường xuyên xem xét, sửa đổi, bổ sung nội dung TƯLĐTT cho phù hợp với khả năng, điều kiện của doanh nghiệp cũng như nguyện vọng của NLĐ...
Điển hình như Công ty TNHH Arcadyan Technology Việt Nam, Khu công nghiệp Thăng Long 3 (Bình Xuyên), 100% vốn đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất các thiết bị mạng không dây thông minh, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động với mức thu nhập 6-7 triệu đồng/người/tháng.
Thời gian qua, công ty luôn đảm bảo các quyền lợi của NLĐ như hỗ trợ tiền xăng xe và nhà ở, hỗ trợ công nhân nữ có con dưới 6 tuổi, tiền chuyên cần, bữa ăn ca và các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của Nhà nước...
Công đoàn công ty chủ động tham mưu Ban Giám đốc xây dựng phương án chi trả tiền lương, tiền thưởng Tết cho NLĐ với mức tối thiểu là 1 tháng lương thứ 13; tổ chức thăm hỏi, tặng quà đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn... nhằm động viên, khích lệ NLĐ tiếp tục gắn bó, đồng hành với doanh nghiệp.
Công ty TNHH FWKK Việt Nam (Lập Thạch) là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, chuyên gia công, sản xuất mặt hàng may mặc. Việc ký kết TƯLĐTT được công ty triển khai từ năm 2017 và duy trì cho đến nay.
Hằng năm, Công đoàn công ty đều tiến hành lấy ý kiến và đàm phán với chủ doanh nghiệp điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung và tổ chức ký kết TƯLĐTT với những điều khoản ngày càng có lợi cho NLĐ.
Đồng chí Nguyễn Khắc Trí, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH FWKK Việt Nam cho biết: “Công ty hiện có hơn 2.100 lao động với mức lương trung bình 8 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh việc đảm bảo đầy đủ các chế độ, quyền lợi theo đúng quy định pháp luật, thông qua việc ký kết TƯLĐTT, NLĐ của công ty được hưởng thêm nhiều chế độ phúc lợi khác như định kỳ 3 tháng tổ chức đối thoại giữa NLĐ và chủ sử dụng lao động để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải đáp những băn khoăn của NLĐ; 100% NLĐ được tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và khám sức khỏe định kỳ; thăm hỏi NLĐ khi gia đình có việc hiếu, hỉ; nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho NLĐ…
Môi trường làm việc ngày càng cải thiện đã giúp NLĐ được bảo đảm sức khỏe, yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. Với những kết quả đạt được, trong 2 năm (2022-2023), công ty được vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”.
Đồng chí Lương Thị Thu Hiền, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: TƯLĐTT được ví như “Bộ luật nhỏ” trong các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn để điều chỉnh những phát sinh trong quan hệ lao động; hạn chế tranh chấp lao động; đồng thời góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Việc xây dựng TƯLĐTT có chất lượng, phù hợp với thực tiễn là điều kiện góp phần đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng cho NLĐ.
Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam thăm hỏi, tặng quà cho con công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại xã Đồng Quế (Sông Lô). Ảnh: Dương Chung
Trong 6 tháng đầu năm, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo CĐCS tổ chức hội nghị người lao động tại 5 doanh nghiệp Nhà nước, 325 doanh nghiệp ngoài Nhà nước. CĐCS đã đề xuất, thương lượng với 21 doanh nghiệp điều chỉnh giá trị bữa ăn ca theo quy định mới của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; 350 CĐCS doanh nghiệp ký TƯLĐTT, đạt hơn 80,6% kế hoạch… Nhờ đó, những khó khăn của doanh nghiệp được NLĐ chia sẻ; nhiều vấn đề vướng mắc của NLĐ được giải quyết kịp thời.
Tuy nhiên, việc triển khai ký kết TƯLĐTT tại một số doanh nghiệp còn gặp khó khăn. Một số bản TƯLĐTT chỉ mang tính hình thức, chủ yếu sao chép lại những quy định đã có của Bộ luật Lao động, ít có những thỏa thuận về quyền lợi cho NLĐ cao hơn so với quy định của pháp luật…
Thời gian tới, các cấp Công đoàn tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho NLĐ và người sử dụng lao động về vai trò, ý nghĩa của việc ký kết TƯLĐTT; tổ chức thêm các lớp tập huấn cho cán bộ CĐCS nhằm cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết để tham gia thương lượng với doanh nghiệp trong việc xây dựng TƯLĐTT tại đơn vị.
Nâng cao chất lượng tổ chức hội nghị NLĐ, đối thoại giữa NLĐ với người sử dụng lao động tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật... góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; nâng cao đời sống NLĐ; doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Minh Thu