Thưởng Tết không phải là quy định bắt buộc đối với doanh nghiệp, tuy nhiên, đây được coi là nét đẹp văn hóa của các doanh nghiệp vào dịp cuối năm. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng năm nay các doanh nghiệp trên địa bàn đang nỗ lực duy trì khoản thưởng Tết nhằm động viên, tạo sự gắn kết với người lao động.
Đã thành thông lệ, cứ vào dịp cuối năm thì câu chuyện thưởng Tết luôn thu hút được sự quan tâm của dư luận xã hội, đặc biệt là đông đảo người lao động. Và câu chuyện đó ngày càng “nóng” hơn bởi các doanh nghiệp vừa trải qua 1 năm đầy khó khăn do biến động kinh tế trong và ngoài nước. Người lao động luôn đặt kỳ vọng vào thưởng Tết dù nhiều hay ít, đây cũng là động lực quan trọng để họ thêm gắn bó với doanh nghiệp.
Thời gian qua, nhờ những chính sách kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nên việc làm, thu nhập của công nhân lao động ở các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh vẫn tương đối ổn định.
Tuy nhiên, qua những đợt biến động tỷ giá, giá nguyên vật liệu, chi phí nhân công... mấy tháng cuối năm, nhiều người lao động không khỏi lo lắng về mức thưởng Tết năm nay có thể giảm so với năm trước.
Riêng đối với chủ doanh nghiệp, họ cũng chẳng mong muốn giảm mức thưởng cho người lao động, bởi điều này sẽ làm ảnh hưởng đến thương hiệu, uy tín trên thị trường. Và đặc biệt, sẽ khó giữ chân người lao động ở lại làm việc lâu dài tại công ty. Vì lẽ đó, các doanh nghiệp thường chậm công bố mức thưởng Tết vào thời điểm này.
Người lao động luôn trông mong vào khoản thưởng Tết. (Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH May mặc Việt Thiên, huyện Vĩnh Tường).
Chị Nguyễn Thị Hoa làm việc lại xưởng cắt Công ty TNHH May mặc Việt Thiên (Vĩnh Tường) cho biết: Người lao động chúng tôi trông mong vào khoản thưởng Tết, bởi số tiền lương đều đã trang trải cho chi phí sinh hoạt hằng tháng. Năm nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty còn khó khăn, chúng tôi chỉ mong muốn tiền thưởng Tết giữ nguyên như năm ngoái, người lao động luôn sẵn sàng chia sẻ với khó khăn của công ty.
Anh Lê Đình Dũng, phường Xuân Hòa - công nhân tại một doanh nghiệp ở thành phố Phúc Yên cho biết: Thời điểm hiện tại, công ty nơi chúng tôi đang làm việc vẫn đang sản xuất, kinh doanh ổn định, người lao động vẫn có việc làm, thu nhập ổn định. Còn việc được thưởng Tết thì ai cũng trông mong, dù có ít hơn năm trước thì đây cũng là nguồn động viên để chúng tôi gắn bó với doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Tết năm nay, các doanh nghiệp đều xây dựng kế hoạch thưởng Tết cho người lao động, dự kiến sẽ tặng thêm các phần quà và tổ chức liên hoan tất niên vào một ngày thích hợp.
Bên cạnh đó, có khen thưởng thêm cho người lao động có thành tích trong sản xuất; hỗ trợ một phần kinh phí cho người lao động xa quê...
Ông Trương Vương Thành, Phó Giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp Hera (Lập Thạch) cho biết: Là doanh nghiệp chuyên sản xuất gạch ốp lát cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, năm qua, công ty phải đối mặt với nhiều khó khăn do chi phí sản xuất tăng cao.
Không phải vì khó khăn mà đơn vị không thưởng Tết cho hơn 300 người lao động hiện nay. Tuy nhiên, việc thưởng Tết cho người lao động ít hay nhiều sẽ phụ thuộc phần lớn vào doanh thu, lợi nhuận và năng suất, hiệu quả công việc của người lao động đóng góp cho doanh nghiệp.
Nếu người lao động vượt hạn mức theo thỏa thuận, doanh nghiệp có doanh thu theo kế hoạch thì căn cứ vào đó để đề ra mức thưởng Tết, ít nhất sẽ được thưởng tháng lương thứ 13.
Năm nay, cùng với thưởng Tết, đơn vị sẽ tổ chức hoạt động liên hoan tất niên; chỉ đạo tổ chức công đoàn chăm lo Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Theo ông Đặng Đình Dinh, Giám đốc Công ty TNHH Đúc kim loại HMDC, xã Quất Lưu (Bình Xuyên), với bất kỳ doanh nghiệp nào thì người lao động luôn phải được đặt lên hàng đầu, bởi họ đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng, phát triển chung của doanh nghiệp.
Vì vậy, vấn đề thu nhập là yếu tố quan trọng nhất để thu hút, giữ chân người lao động. Khó khăn đến đâu, những người làm doanh nghiệp chúng tôi sẽ nỗ lực hơn để người lao động được hưởng chế độ thưởng Tết tốt nhất có thể.
Hiện tại, công ty đã xây dựng kế hoạch, chuẩn bị nguồn tiền để thưởng cho mỗi người lao động ít nhất 1 tháng lương thứ 13 và một số quà tặng cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn để động viên, khích lệ họ thêm gắn bó với doanh nghiệp.
Một tin vui đối với người lao động tại các doanh nghiệp là hiện nay, công đoàn các cấp đã khởi động chương trình chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Theo kế hoạch, các hoạt động chăm lo Tết cho đoàn viên, người lao động diễn ra từ tháng 11/2024 đến hết tháng 1/2025.
Theo đó, người lao động sẽ được tham gia chương trình “Tết Sum vầy - Xuân ơn Đảng; Ngày hội công nhân - Chợ Tết công đoàn” chào Xuân Ất Tỵ 2025; trao tặng vé xe cho đoàn viên ngoại tỉnh về quê đón Tết Nguyên đán; thăm và tặng quà cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức “Gian hàng 0 đồng” trao tặng 2.000 phiếu mua hàng 0 đồng; Chợ Tết Công đoàn với gần 30 gian hàng giảm giá và nhiều dịch vụ miễn phí; liên hoan ca múa nhạc, các trò chơi, bốc thăm trúng thưởng; chương trình “Nồi bánh yêu thương” và nhiều phần quà có giá trị khác.
Bài, ảnh: Thành An