Trong tác phẩm “Cô gà mái xổng chuồng” của nhà văn Hàn Quốc Hwang Sun-mi, người đọc được chứng kiến nhiều tình huống căng thẳng, hồi hộp và xúc động trong hành trình phiêu lưu đi tìm tự do và hi ện thực khát vọng một lần được ấp trứng của một cô gà mái công nghiệp.
Câu chuyện về cô gà mái Mầm Lá can đảm nuôi nấng một chú vịt hoang như đặt ra câu hỏi tự vấn cho người đọc, rằng ta là ai, ta nên sống như thế nào. Và thông điệp xuyên suốt cuốn sách là, không quan trọng bạn sinh ra là ai, mà quan trọng là bạn mong muốn trở thành ai.
Không quan trọng bạn là một cô gà mái công nghiệp đẻ trứng hay một cô gà mái được sống đủ đầy trong sân vườn với gà trống cùng gà con, điều quan trọng là bạn mang trong mình ước vọng được tự do, được ấp trứng và nhìn gà con chào đời như giấc mơ bản năng của một cô gà mái. Bạn luôn là nhân vật chính của cuộc đời mình. Dù cuộc sống có khổ cực ra sao, dù bạn phải liên tục đấu tranh với hiểm nguy, nhưng bạn phải biết mình hài lòng, mãn nguyện ra sao với những điều đang tìm kiếm, đang đánh đổi. Như cô gà mái Mầm Lá luôn biết ơn vì mình còn sống.
Mầm Lá hạnh phúc khi thoát khỏi chuồng gà ra với khu vườn. Và cả sau này, khi bị đuổi khỏi khu vườn, phải chật vật tìm cách sống giữa cánh đồng hoang rộng lớn, trước mối đe dọa của mụ Chồn, cô vẫn thấy “hài lòng vì phong cảnh đẹp với những bông hoa lục bình và hoa súng, nhưng tốt hơn cả là có nhiều thức ăn”.
Mầm Lá yêu cuộc sống và biết thưởng thức cái đẹp của thiên nhiên, ngưỡng mộ, thán phục vẻ đẹp của tán lá qua mỗi mùa, từ khi lá xanh đến khi chịu đựng gió mưa rồi rụng rơi và cuối cùng lại sinh sôi xanh non vào mùa xuân. Chính vì vậy, cô gà mái tự đặt cho mình cái tên “Mầm Lá” như một ước mong thầm kín được sống, được làm điều gì đó tốt đẹp như “tán lá xanh ngắt và hương hoa thơm ngát” của cây Mimosa.
Bên cạnh thông điệp về khát vọng sống tự do, về lòng dám sống một cuộc đời ý nghĩa, “Cô gà mái xổng chuồng” còn thể hiện tấm lòng bao dung, tình yêu thương vô bờ bến của Mầm Lá dành cho đứa con có ngoại hình khác mình.
Ở Mầm Lá, người đọc thấy hình ảnh một người mẹ hết lòng chăm sóc, nuôi nấng con. Khoảnh khắc Mầm Lá ngạc nhiên, xúc động khi thấy “đứa bé đang lẫm chẫm từ bụi hồng dại ra” (sau khi tự vỡ trứng) thật dịu dàng, ấm áp, cảm động. Và khoảnh khắc Mầm Lá nhìn con mình bay cao bay xa như ước mơ, như bản năng của những chú Vịt Trời, còn mình ở lại với cô đơn già cỗi khiến người đọc cay khóe mắt.
Quy luật tuần hoàn của tự nhiên khắc nghiệt cũng là điều dễ nhận thấy từ những câu chuyện trong cuốn sách. Trong tự nhiên, sự sống và cái chết, kẻ ăn thịt và bị ăn thịt luôn có sự liên quan lẫn nhau. Cũng như chuyện xấu - chuyện tốt trong cuộc sống không phải khi nào ta cũng có thể phân biệt rạch ròi. Bởi quy luật của cuộc sống là: “Nếu có ai chết đi thì lại có ai đó được sinh ra. Trải nghiệm ly biệt và gặp gỡ cũng diễn ra đồng thời như vậy. Vì thế đến một lúc nào đó, nỗi buồn không thể kéo dài mãi mãi”. Và cuối cùng, điều quan trọng là bạn đã sống một cuộc đời can đảm, ý nghĩa ra sao mà thôi.
“Cô gà mái xổng chuồng” là một cuốn sách dành cho thiếu nhi nhưng ẩn chứa những suy ngẫm có giá trị ngay cả với người trưởng thành. Tác phẩm đã được dịch ra 9 thứ tiếng và được chuyển thể thành phim hoạt hình gây tiếng vang lớn tại nhiều liên hoan phim quốc tế.
Phương Hoa (Theo hanoimoi.vn)