Những năm gần đây, phong trào văn hóa - văn nghệ (VHVN) quần chúng ở các địa phương trong tỉnh diễn ra sôi nổi, với nhiều câu lạc bộ (CLB) được thành lập mới. Hoạt động tích cực của các CLB không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, mà còn góp phần lưu giữ, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống.
Có mặt tại buổi tập luyện của CLB Tuồng xã Hoàng Đan (Tam Dương), chúng tôi cảm nhận được tinh thần hăng say, sự đam mê, nhiệt huyết của các thành viên. Dù đều ở độ tuổi ngoại tứ tuần, bộn bề nhiều công việc, nhưng vào thứ Bảy hằng tuần, các thành viên CLB Tuồng xã Hoàng Đan tập trung cùng nhau luyện tập, biểu diễn những vở tuồng cổ.
Vào dịp lễ, Tết, giao lưu VHVN, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân, CLB luôn được mời biểu diễn. CLB đã mang đến cho khán giả những vở diễn ấn tượng, nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Để nghệ thuật tuồng trường tồn, các thành viên CLB còn tích cực truyền dạy cho các bạn trẻ yêu thích môn nghệ thuật này.
Câu lạc bộ Tuồng xã Hoàng Đan công diễn trích đoạn “Trần Quốc Toản ra quân”. Ảnh: Trà Hương
Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Chủ nhiệm CLB Tuồng xã Hoàng Đan cho biết: "Năm 2016, được sự quan tâm, giúp đỡ của Nhà hát Tuồng Việt Nam, CLB Tuồng xã Hoàng Đan được thành lập với các thành viên nòng cốt ở thôn Hóc và một số người yêu thích nghệ thuật tuồng trên địa bàn xã. Hiện, CLB có hơn 20 thành viên, các thành viên tuy tuổi đã cao nhưng vẫn nhiệt tình, hăng say với hoạt động của CLB. Hoạt động của CLB Tuồng xã Hoàng Đan đã góp phần bảo tồn, gìn giữ loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, khơi dậy tinh thần đoàn kết trong nhân dân".
Tiền thân là CLB Tiếng hát Soọng cô Chợ Tình xã Đạo Trù (Tam Đảo), đến năm 2022, được đổi tên thành CLB dân ca Soọng cô xã Đạo Trù với hơn 100 hội viên. Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, hằng tháng, CLB đều tổ chức gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kiến thức và tập luyện. CLB đã tham gia biểu diễn phục vụ nhiều sự kiện chính trị, văn hóa của địa phương và của tỉnh như hát chào mừng Lễ hội Tây Thiên, hát động viên, khích lệ con em địa phương lên đường nhập ngũ; giao lưu với các CLB hát Soọng cô trong và ngoài tỉnh…
Cùng với biểu diễn, CLB mở các lớp truyền dạy dân ca cho thế hệ trẻ nhằm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; tiến tới tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc trong cộng đồng.
Nghệ nhân Ưu tú Lê Đại Nam, Chủ nhiệm CLB dân ca Soọng cô xã Đạo Trù cho biết: "Soọng cô là làn điệu dân ca đặc sắc nhất, thể hiện hồn phách, trí tuệ của đồng bào dân tộc Sán Dìu được kết tinh qua hàng nghìn năm. Để phổ biến và khơi dậy tình yêu của người dân đối với làn điệu Soọng cô, nhất là thế hệ trẻ, tôi và các thành viên CLB đã sưu tầm, biên dịch hàng trăm bài hát Soọng cô cổ, đồng thời sáng tác nhiều bài hát Soọng cô lời mới như hát giao duyên, hát về lao động sản xuất, hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương, đất nước… Với nội dung phong phú, làn điệu Soọng cô đã đi vào tâm thức mỗi người Sán Dìu và trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa".
Hiện nay, toàn tỉnh có gần 600 CLB VHVN, các thành viên là những hạt nhân văn nghệ nòng cốt ở khu dân cư tham gia trên tinh thần tự nguyện. Phần lớn các CLB sau khi thành lập, bầu Ban Chủ nhiệm đã xây dựng điều lệ và kế hoạch hoạt động.
Để đưa phong trào VHVN ngày càng đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa trong đời sống xã hội, các cấp, các ngành đã xây dựng, triển khai nhiều đề án, chương trình hành động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; tăng cường tuyên truyền đến nhân dân về lợi ích, ý nghĩa của việc tham gia các hoạt động VHVN; hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm, đầu tư đã tạo điều kiện để các CLB VHVN quần chúng sinh hoạt thường xuyên, hiệu quả; tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan để các CLB VHVN giao lưu học hỏi; khuyến khích người dân cùng tham gia bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị VHVN truyền thống của địa phương...
Gắn phát triển phong trào VHVN quần chúng với gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, Trung tâm Văn hóa tỉnh đã nỗ lực đưa hoạt động VHVN đi vào chiều sâu, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Từ năm 2023 đến nay, trung tâm đã mở 1 lớp tập huấn, truyền dạy hát Soọng cô cho đồng bào dân tộc Sán Dìu xã Trung Mỹ (Bình Xuyên); 4 lớp tập huấn văn nghệ cho các hạt nhân văn nghệ và CLB hát Văn, Chầu văn của tỉnh; tổ chức biểu diễn Chầu văn tại Công Quán Tây Thiên phục vụ miễn phí cho nhân dân và du khách 2 lần/tháng; tổ chức hơn 10 buổi diễn xướng hát Văn, Chầu văn tại chân đền Thượng Tây Thiên…
Bên cạnh đó, tổ chức nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật như giao lưu văn hóa nghệ thuật truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh; liên hoan nghệ thuật quần chúng; liên hoan các CLB dân ca, dân vũ... góp phần bảo tồn, phát huy và lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống; đưa văn hóa thành sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Minh Thu