Về quê ăn Tết không những là thói quen mà gần như đã trở thành tập tục ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước đang phát triển như Trung Quốc, Việt Nam. Chính vì thế, xung quanh câu chuyện này có vô vàn điều thú vị.
Tay xách nách mang, đồ đạc lỉnh kỉnh là hình ảnh thường thấy của nhiều người dân trên đường về quê ăn Tết
Những năm gần đây, cụm từ “Về quê ăn Tết” được gọi bằng thuật ngữ “Xuân vận” nhằm để chỉ những dòng người di chuyển bất tận từ nơi này sang nơi khác trong mùa đón Tết cổ truyền của dân tộc.
Tại Trung Quốc, Bộ Giao thông vận tải nước này ước tính Tết Giáp Thìn 2024 có tới 9 tỷ chuyến đi chỉ trong hơn 1 tháng ngắn ngủi trước, trong và sau Tết.
Việt Nam dù dân số chỉ có khoảng 100 triệu người, nhưng số lượng tham gia “Xuân vận” có lẽ chỉ đứng sau Trung Quốc. Tuy nhiên, đặc trưng của đợt “Xuân vận” ở nước ta chính là sự “bất bình hành” trong hoạt động vận tải khi trước Tết, dòng người đổ từ khu vực phía Nam về phía Bắc; từ các đại đô thị về các tỉnh, thành phố, thị trấn nhỏ và nông thôn.
Sau Tết, dòng người lại đổ ngược từ phía Bắc vào Nam; từ các tỉnh, thành phố về các đô thị lớn. Bên cạnh đó, mỗi đợt di chuyển này lại được nén trong khoảng thời gian rất ngắn (trên dưới 10 ngày) đã gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp vận tải.
Vĩnh Phúc là một tỉnh nhỏ, đô thị trung tâm của tỉnh là thành phố Vĩnh Yên cũng rất nhỏ so với nhiều địa phương trên cả nước, nhưng mỗi dịp Tết đến, Xuân về luôn rộn ràng không khí "Xuân vận".
Bên cạnh những chuyến xe khách, xe bus đầy ăm ắp người tỏa về khắp các miền quê trong tỉnh những ngày giáp Tết, hình ảnh đáng nhớ hơn cả là nườm nượp những chiếc xe máy nối đuôi nhau di chuyển; trên xe không thể thiếu túi nhỏ tải to, bu gà rọ lợn. Những gương mặt đỏ bừng hay tím tái vì rét nhưng đều không giấu nổi niềm vui khi sắp được gặp gia đình, người thân sau nhiều ngày xa cách.
Về quê ngày Tết, dù đường xa hay gần, dù di chuyển thuận lợi hay khó khăn, dù mang vác cồng kềnh hay hết sức gọn nhẹ thì đều có điểm chung là ai ai cũng vui mừng, phấn khởi. Ấy là tâm trạng của người có cái để chờ đợi, mong mỏi và sắp được thỏa mãn.
Quê gần còn đỡ, ai quê xa mới thấy cái cảm giác ấy khó tả đến mức nào. Trước Tết cả tháng có khi vợ chồng đã lên xong kế hoạch về quê. Các con thì gần như ngày nào cũng hỏi bao giờ được nghỉ học, bao giờ được về quê với ông bà.
Thực tế cũng có những câu chuyện chưa vui xung quanh vấn đề về quê ăn Tết. Điển hình như bất đồng trong việc về quê nội hay quê ngoại trước, thời gian ở mỗi quê là bao lâu. Hay số tiền, quà lễ Tết 2 bên nội ngoại có phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của gia đình mình hay không. Không giải quyết tốt những vấn đề này, hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp hủy kế hoạch về quê ăn Tết của một gia đình, từ đó ảnh hưởng đến niềm vui chung trong những ngày Tết của một nhà, thậm chí cả dòng họ.
Là tỉnh công nghiệp với hàng chục vạn công nhân, lao động trong các khu, cụm công nghiệp đến từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh, đồng nghĩa với đó, mỗi năm Vĩnh Phúc có xấp xỉ ngần ấy con người về quê trong dịp Tết. Điều này ít nhiều tạo nên áp lực đáng kể với doanh nghiệp chủ quản và các cấp chính quyền địa phương.
Nhằm đồng hành, chia sẻ với những tâm tư, tình cảm chính đáng của người lao động mỗi dịp Tết đến, Xuân về, Vĩnh Phúc coi việc chăm lo, hỗ trợ kinh phí mua sắm quà Tết và vé xe cho người lao động về quê đón Tết là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng.
Điển hình như dịp Tết Giáp Thìn 2024 này, Vĩnh Phúc đã dành hơn 10 tỷ đồng chăm lo Tết với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Trao 12.768 suất quà cho đoàn viên, người lao động; hỗ trợ 12.686 vé tàu xe cho công nhân ngoại tỉnh về quê đón Tết; thăm, chúc Tết 21 doanh nghiệp có đoàn viên, người lao động trực và làm việc trong dịp Tết; tổ chức thăm hỏi, động viên đoàn viên, người lao động không có điều kiện về quê mà phải đón Tết tại các khu nhà trọ…
Lan man chuyện về quê ăn Tết, bản thân người viết bài này chợt thấy chạnh lòng bởi chính mình chẳng có dịp nào được về quê ăn Tết. Lý do đơn giản vì nhà ông bà chỉ cách mấy bước chân. Than thở về tình huống oái oăm này, bạn bè còn mắng yêu, rằng sướng không biết đường lại còn kêu khổ. Mấy ai nghĩ rằng cái khổ của người này đôi khi lại là niềm mong ước của người kia!
Bài, ảnh: Quang Nam