Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở huyện Tam Dương đạt được những kết quả tích cực; nhiều hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt.
Diện mạo xã Hoàng Đan đổi thay nhờ có nhiều người đi xuất khẩu lao động. Ảnh: Kim Ly
Sau một thời gian làm công nhân, tiền lương của anh Nguyễn Văn Công ở thôn Thượng, xã Duy Phiên chỉ đủ trang trải cuộc sống. Vì vậy, anh đã quyết định đi làm nghề xây dựng tại Nhật Bản với mức lương 25-30 triệu đồng/tháng.
Sau 3 năm lao động tại Nhật Bản, anh Công trở về quê hương, mở cửa hàng sửa chữa đồ điện, cuộc sống của gia đình anh ngày càng được cải thiện. Không chỉ gia đình anh Công khấm khá lên nhờ XKLĐ, ở thôn Thượng còn có gần 20 gia đình có con em đi XKLĐ, mang lại nguồn thu lớn, giúp người dân có kinh phí xây dựng nhà, sắm sửa xe, mở cửa hàng kinh doanh...
Xã Hoàng Đan là một trong những địa phương của huyện Tam Dương có nhiều người đi XKLĐ. Để thúc đẩy công tác XKLĐ, giải quyết việc làm cho người dân, xã đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách của Nhà nước, của tỉnh, huyện về việc làm và XKLĐ, các thị trường lao động cho thu nhập cao; thường xuyên phối hợp tổ chức hội nghị tư vấn việc làm và XKLĐ; tạo điều kiện thuận lợi để người lao động làm hồ sơ, thủ tục vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp...
Năm 2023, toàn xã có 11 người được vay vốn đi XKLĐ với số tiền 100 triệu đồng/người. Hiện tại, xã có gần 150 lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Từ nguồn tiền của người thân đi XKLĐ gửi về, nhiều gia đình có điều kiện xây dựng nhà ở, mua sắm trang thiết bị hiện đại, đầu tư phương tiện vận tải, mở cửa hàng kinh doanh, dịch vụ để nâng cao thu nhập.
Để đạt mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm, UBND huyện giao chỉ tiêu XKLĐ cho các xã, thị trấn; phân công các thành viên Ban chỉ đạo phụ trách xã, thị trấn; gắn trách nhiệm của từng thành viên với nhiệm vụ được giao, xem đây là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ và thi đua cuối năm.
Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tam Dương Nguyễn Hữu Thủy cho biết: “Xác định XKLĐ là kênh giải quyết việc làm hiệu quả, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân hiểu về lợi ích của chương trình XKLĐ; phối hợp với các cấp, ngành trong công tác tư vấn, tuyển dụng lao động; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với người lao động, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động khi đi XKLĐ; tạo cơ hội để người lao động được tiếp cận với các công ty tin cậy trong hoạt động XKLĐ; hướng dẫn người lao động các quy trình, thủ tục hồ sơ, chính sách hỗ trợ, thông tin về tuyển dụng lao động…”.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, Phòng LĐ-TB&XH huyện thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục cho vay tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo, giải quyết việc làm, XKLĐ theo hợp đồng có nhu cầu vay vốn; đảm bảo vốn vay đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả nhằm hỗ trợ, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Hiện, huyện Tam Dương có hơn 1.000 người đang lao động có thời hạn ở nước ngoài, chủ yếu ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Năm 2023, trên địa bàn huyện có 160 lao động đi XKLĐ, tăng 77 người so với năm 2022, vượt 78% chỉ tiêu kế hoạch tỉnh giao.
Thời gian tới, huyện Tam Dương tiếp tục tuyên truyền về công tác XKLĐ; chú trọng công tác đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn để đáp ứng thị trường lao động ngoài nước, nhất là thị trường có thu nhập cao; gắn trách nhiệm của các doanh nghiệp XKLĐ với người lao động, yêu cầu thực hiện đầy đủ điều kiện, quy định tại hợp đồng...
Diệu Linh