Nhằm mở rộng cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho lao động nông thôn (LĐNT), các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tập trung đổi mới công tác đào tạo nghề theo hướng gắn với nhu cầu thực tiễn, khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia đào tạo nghề cho LĐNT. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm (GQVL) cho LĐNT, Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Tường phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX huyện đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tới người lao động (NLĐ) cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh về đào tạo nghề, GQVL; rà soát, khảo sát nhu cầu học nghề của NLĐ, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo nghề dựa trên nhu cầu thực tiễn và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đáp ứng nhiệm vụ tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và giảm nghèo bền vững.
Thông qua các lớp đào tạo nghề, lao động nông thôn được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập. Ảnh: Kim Ly
Từ năm 2023 đến nay, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Vĩnh Tường tổ chức 7 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 190 LĐNT với kinh phí hỗ trợ hơn 800 triệu đồng. Các lớp chủ yếu đào tạo nghề hàn điện; trồng rau an toàn; các biện pháp nuôi và phòng, trị bệnh cho trâu, bò, lợn.
Nhận thấy địa phương có nhiều lợi thế phù hợp phát triển chăn nuôi bò sữa, chị Đàm Thị Ánh, thôn Hệ, xã Vĩnh Thịnh đã đăng ký tham gia lớp sơ cấp nghề nuôi và phòng, trị bệnh cho trâu, bò do Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX huyện tổ chức vào đầu tháng 10 vừa qua.
Chị Ánh chia sẻ: "Tham gia lớp học, tôi được trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản về điều kiện chăn nuôi, giống, thức ăn; xác định nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp phòng, trị bệnh thường gặp ở trâu, bò.
Trong quá trình đào tạo, chúng tôi thường xuyên được đi tìm hiểu thực tế tại các chuồng, trại, khu chăn nuôi của nhiều hộ dân để quan sát, thực hành trên đàn vật nuôi. Điều đó không chỉ giúp chúng tôi tiếp thu, nắm vững kiến thức mà còn thực hiện thuần thục các thao tác kỹ thuật trong chăn nuôi, giúp đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt".
Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Vĩnh Tường Trần Tuấn Mạnh cho biết: "Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo nghề, các học viên được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề theo quy định. Thông qua các lớp đào tạo giúp LĐNT, người khuyết tật, người nghèo, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng từng bước thay đổi tư duy về chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời tạo cơ hội để LĐNT tiếp cận và áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật, kiến thức, kỹ năng mới vào thực tiễn sản xuất, chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho NLĐ".
Ngoài ra, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề, vị trí, vai trò của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập để NLĐ biết và tích cực tham gia học nghề, phát triển mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao.
Đồng thời thực hiện tốt công tác rà soát, đánh giá nhu cầu học nghề của NLĐ để xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu học nghề, việc làm của NLĐ; tổ chức đào tạo nghề gắn với mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, hướng tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất lớn; khuyến khích, huy động các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia dạy nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ cho LĐNT.
Bên cạnh đó, các cấp, ngành chức năng chú trọng kiểm tra đột xuất, kiểm tra định kỳ công tác đào tạo nghề cho LĐNT để kịp thời nắm bắt, đề xuất phương hướng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức đào tạo, hỗ trợ kinh phí đào tạo.
Từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh tổ chức đào tạo cho hơn 1.000 LĐNT học nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng với tổng kinh phí hỗ trợ gần 3,4 tỷ đồng. Sau đào tạo, 80% học viên có việc làm, thu nhập ổn định.
LĐNT học nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng chủ yếu để phát triển nghề sẵn có và chuyển đổi nghề sau đào tạo. Một số học viên sau khi tốt nghiệp được doanh nghiệp tuyển dụng với mức thu nhập cao hơn làm nông nghiệp; một số nghề, sản phẩm làm ra được bao tiêu theo tiêu chuẩn OCOP.
Một buổi thực tế của lớp đào tạo sơ cấp nghề nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò tại xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường). Ảnh: Kim Ly
Để công tác đào tạo nghề cho LĐNT đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững và thực chất, đồng thời cụ thể hóa Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho LĐNT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền xây dựng kế hoạch thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của từng cấp, ngành, địa phương, đơn vị.
Trong đó, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu về công tác đào tạo nghề cho LĐNT; đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đào tạo nghề cho LĐNT.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đào tạo nghề cho LĐNT; bảo đảm nguồn lực, điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề cho LĐNT…
Phương Anh