Với sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành, tổ chức hội, đoàn thể, ngày càng có nhiều người khuyết tật (NKT) trên địa bàn tỉnh được dạy nghề, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, giúp NKT không chỉ tự chủ về kinh tế mà còn khẳng định giá trị bản thân, hòa nhập và đóng góp tích cực cho cộng đồng.
Sinh năm 1989, anh Triệu Thanh Bình, xã Đồng Ích (Lập Thạch) không may bị thoái hóa sắc tố võng mạc bẩm sinh. Khi nhỏ, mắt anh còn nhìn thấy lờ mờ, đến năm hơn 20 tuổi thì không thể nhìn thấy gì nữa.
Hợp tác xã Khuyết tật, tình thương, tổ dân phố Đại Lợi, phường Tiền Châu (Phúc Yên) chuyên sản xuất, đóng gói tăm tre, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 20 người khuyết tật. Ảnh: Dương Chung
Để vượt lên số phận, ổn định cuộc sống, năm 2015, anh Bình đã đăng ký học nghề tẩm quất, xoa bóp cổ truyền tại Trung tâm Giáo dục - Giáo dục nghề nghiệp trực thuộc Hội Người mù tỉnh.
Với quyết tâm tự chủ về kinh tế, học nghề xong, anh Bình đã thuê nhà mở Cơ sở tẩm quất khiếm thị Hằng Nga tại tổ dân phố Long Cương, thị trấn Lập Thạch.
Nhờ có chuyên môn tốt, phục vụ nhiệt tình, chu đáo, cơ sở tẩm quất của anh Bình đã dần tạo được niềm tin và thu hút khá đông khách hàng, tạo việc làm cho 4 người khiếm thị với mức thu nhập từ 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Đối với người khiếm thị, việc làm không chỉ giúp họ có thêm thu nhập mà còn giúp họ nâng cao vai trò, vị thế trong gia đình và xã hội. Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng đó, từ năm 2007, Hội Người mù tỉnh đã mở các lớp dạy nghề truyền thống cho hội viên như làm trăm tre, chổi chít, tẩm quất, xoa bóp cổ truyền.
Năm 2024, Hội Người mù tỉnh đã tổ chức hàng chục lớp dạy nghề tẩm quất, xoa bóp cổ truyền, tin học văn phòng cho 35 NKT, cấp chứng chỉ nghề cho 33 học viên đủ điều kiện.
Các học viên sau khi hoàn thành khóa học đã có thể tham gia làm việc tại các cơ sở dịch vụ hoặc tự mở cơ sở kinh doanh, tạo nguồn thu nhập ổn định cho bản thân và gia đình.
Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Vũ Hùng Mông cho biết: Với tỷ lệ hơn 90% học viên có việc làm và thu nhập ổn định, nghề tẩm quất, xoa bóp cổ truyền được Hội Người mù tỉnh coi là nghề mũi nhọn.
Hiện, toàn tỉnh có 33 cơ sở tẩm quất đang hoạt động, trong đó 5 cơ sở do các cấp Hội Người mù quản lý trực tiếp và 28 cơ sở do hội viên tự quản, tạo việc làm cho 77 NKT với thu nhập từ 3,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có 3 tổ nhóm sản xuất thủ công có doanh thu ước tính khoảng hơn 280 triệu đồng/năm.
Cùng với công tác dạy nghề, tạo việc làm, các cấp, ngành, tổ chức hội, đoàn thể, địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác hỗ trợ sinh kế cho NKT.
Mới đây, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi (NTT&TEMC) tỉnh phối hợp với Hội Bảo trợ NTT&TEMC Việt Nam, Quỹ Kiến tạo ước mơ đến thăm và trao hỗ trợ vốn sinh kế cho 6 gia đình NKT có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các huyện Tam Đảo, Yên Lạc và thành phố Phúc Yên.
Ông Đinh Văn Năm, 58 tuổi ở tổ dân phố Xuân Thượng 1, phường Phúc Thắng (Phúc Yên) là 1 trong 6 NKT được hỗ trợ vốn sinh kế trong dịp này.
Ông Năm có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân bị liệt hai chân. Công việc hằng ngày của ông Năm là sửa chữa đồ điện tại nhà với mức thu nhập 1 triệu đồng/tháng.
Sau khi khảo sát và tìm hiểu hoàn cảnh gia đình ông Năm, Hội Bảo trợ NTT&TEMC tỉnh đã hỗ trợ gia đình ông 10 triệu đồng để mua máy hàn điện, đồng hồ đo điện, mở rộng việc sửa chữa điện dân dụng.
Nhận được hỗ trợ, ông Năm vui mừng cho biết: “Tạo ra thu nhập để trang trải cuộc sống vốn dĩ đã rất khó khăn, vì thế, tôi không dám nghĩ đến việc mua sắm thêm thiết bị hỗ trợ công việc. Khi nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức hội, đoàn thể tôi cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc vì tôi đã có thêm cơ hội để nâng cao thu nhập của bản thân”.
Toàn tỉnh hiện có hơn 90.000 NKT, chiếm hơn 7% dân số, trong đó có gần 18.000 NKT nặng, chiếm hơn 19% số NKT; hơn 7.500 NKT thuộc hộ nghèo, cận nghèo, chiếm 8% số NKT.
Mặc dù việc dạy nghề, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế cho NKT đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, công tác hỗ trợ NKT trên địa bàn tỉnh vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn.
Nhiều hội viên khuyết tật còn e ngại hòa nhập cộng đồng, trong khi kinh phí hoạt động của các tổ chức hội chưa ổn định. Tỷ lệ hộ nghèo trong cộng đồng NKT vẫn cao hơn mặt bằng chung.
Để tăng cơ hội học nghề cũng như việc làm cho NKT, tỉnh tiếp tục rà soát, đánh giá nhu cầu học nghề của NKT; tổ chức triển khai các hoạt động đào tạo nghề phù hợp với khả năng của NKT, linh hoạt về thời gian, địa điểm, tiến độ.
Đồng thời triển khai đào tạo đội ngũ giáo viên dạy nghề và tư vấn viên việc làm; tổ chức phát triển mô hình dạy nghề lưu động; hỗ trợ việc làm tại nhà cho NKT.
Nhân rộng mô hình hỗ trợ sinh kế cho NKT; xây dựng mô hình hỗ trợ NKT khởi nghiệp; mô hình đạo tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho NKT.
Có chính sách đặc thù hỗ trợ thanh niên khuyết tật, phụ nữ khuyết tật, NKT khởi nghiệp và các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều lao động là NKT, giúp họ từng bước hòa nhập với cộng đồng.
Minh Nguyệt