Những phiên đấu giá đất ven Hà Nội gần đây đều có lượng người tham gia ít và giá trúng thấp hơn trước. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, đất đấu giá chưa hạ nhiệt vì giá trúng vẫn cao hơn thị trường.
Lượng người tham gia và giá trúng đất đấu giá đã thấp hơn
Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội) vừa tổ chức phiên đấu giá 12 thửa đất tại huyện này. Trong đó, 7 thửa đất tại khu Dộc Tranh (xã Trạch Mỹ Lộc) giá khởi điểm 23,4 triệu đồng/m2. 4 thửa khu Hương Nam (xã Xuân Đình), giá từ 25 triệu đồng/m2 và một thửa khu Cổng chợ (xã Tích Giang) với giá từ 16,5 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, so với phiên đấu giá cách đây 2 tháng, lượng người tham gia đã giảm mạnh khi chỉ có 32 nhà đầu tư đăng ký với hơn 120 hồ sơ. Trước đó, phiên đấu giá ngày 17/9 ở Phúc Thọ có trên 100 khách hàng tham dự.
Nhà đầu tư giảm sự quan tâm cũng làm mức giá trúng đấu giá đất đi xuống. 7 thửa đất khu Dộc Tranh đều bán thành công, nhưng giá trúng cao nhất chỉ 37,6 triệu đồng/m2. Mức trúng thấp nhất tại khu này là 28,8 triệu đồng/m2, cao hơn giá khởi điểm khoảng 20%.
Trong khi đó, cũng tại khu đất Dộc Tranh, phiên đấu giá giữa tháng 9, thửa trúng cao nhất lên đến 75 triệu đồng/m2, gấp đôi phiên đấu giá vừa diễn ra.
Trong tháng 11, nhiều phiên đấu giá đất tại vùng ven Hà Nội đã diễn ra nhưng mức giá trúng đều thấp hơn nhiều so với các phiên đấu giá trước đó. Cụ thể, ngày 4 và 11/11, huyện Hoài Đức tổ chức 2 phiên đấu giá với tổng 52 lô đất. Lô đất có giá trúng cao nhất của 2 phiên đấu giá này đạt 109,3 triệu đồng/m2, còn lô đất có giá trúng thấp nhất đạt 79,3 triệu đồng/m2.
Phiên đấu giá đất tại huyện Hoài Đức vào ngày 4 và 11/11 vừa qua đã ít người tham gia hơn.
Đáng chú ý, theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, cả 2 phiên đấu giá tại huyện Hoài Đức vừa qua, số lượng người tham gia đã sụt giảm mạnh. Đơn cử, phiên đấu giá 32 lô đất tại huyện này vào ngày 11/11 có 700 hồ sơ tham gia của hơn 100 khách hàng. Trong khi đó, phiên đấu giá 19 lô đất tại Hoài Đức ngày 19/8 có tới 400 khách hàng tham gia, giá trúng cao nhất tới 133,3 triệu đồng/m2.
Hay phiên đấu giá 25 lô đất tại huyện Thanh Oai (TP Hà Nội) vừa diễn ra vào ngày 16/11, giá trúng cao nhất đạt 90,3 triệu đồng/m2. Số lượng hồ sơ tham gia phiên đấu giá này chỉ còn 400 hồ sơ của 111 khách hàng. Trong khi đó, phiên đấu giá ngày 10/8 tại huyện này có tới 4.600 hồ sơ của 1.545 người tham dự, mức giá trúng cao nhất hơn 100 triệu đồng/m2.
Chuyên gia: Đất đấu giá chưa hạ nhiệt, vì giá trúng vẫn cao hơn thị trường
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Đình Chung - chuyên gia bất động sản - cho rằng, hiện thị trường bất động sản Hà Nội đa phần tập trung vào phân khúc chung cư cao cấp, sản phẩm nhà thấp tầng cũng rất ít. Còn đất nền nguồn cung chỉ còn số lượng ít ỏi từ đấu giá và của người dân phân lô bán. Trong khi đó, khẩu vị của nhà đầu tư bất động sản hiện vẫn rất chuộng đất nền.
Giá khởi điểm của đất đấu giá hiện vẫn dựa theo bảng giá đất cũ nên rất thấp, kéo theo tiền cọc ít. Do đó, các nhà đầu tư vẫn khá quan tâm tới đất nền đấu giá và sẵn sàng bỏ ra số tiền đặt cọc ít để tham dự.
Tuy nhiên, ông Chung cho rằng, dù giá trúng và lượng hồ sơ tham dự các phiên đấu giá tại vùng ven Hà Nội gần đây có giảm, nhưng giá trúng vẫn cao hơn thị trường trong khu vực. Do đó, ông đánh giá, đất đấu giá vẫn chưa hạ nhiệt.
Phiên đấu giá đất tại huyện Thanh Oai vào ngày 10/8 có tới 4.600 hồ sơ tham gia.
"Các phiên đấu giá ngoài những người tham dự với nhu cầu thực thì vẫn có những đội đầu cơ tham gia làm giá, trục lợi kiếm tiền từ lướt sóng. Tuy nhiên, phiên đấu giá tại huyện Thanh Oai hồi tháng 8 có tới 80% bỏ cọc. Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng đã giúp giảm bớt những đội nhóm đầu cơ tham gia để tạo sốt ảo. Do đó, những phiên đấu giá gần đây được thanh lọc bớt các đội nhóm nên hồ sơ và giá trúng đã dịu đi", ông Chung nêu quan điểm.
Ông Phạm Đức Toản, chuyên gia bất động sản, cho rằng, mức giá trúng đất đấu giá tại vùng ven hồi tháng 8-9 đã bị thổi lên quá cao, sau đó bỏ cọc. Đến các phiên đấu giá gần đây, nhiều người có nhu cầu thực hoặc đầu tư đều nhìn ra việc tham gia đấu giá không có hiệu quả. Những người tham gia với mục đích sang tay nhanh không bán được.
Từ đó, dẫn tới việc các phiên đấu giá gần đây số lượng người tham gia ít hơn và mức giá trúng dịu đi. Tuy nhiên, mức giá trúng vẫn cao hơn thị trường xung quanh.
"Một số nhà đầu tư họ không còn mặn mà với việc trả giá quá cao để mua bằng được lô đất rồi sang tay kiếm tiền chênh. Họ đều thấy rằng, mức giá hiện nay đã quá ảo, nếu trong thời gian một tháng không tìm được người mua, sẽ phải bỏ cọc. Bài học của phiên đấu giá đất huyện Thanh Oai hồi tháng 8 trước đó đã tác động tới tâm lý của nhà đầu tư. Nên họ đã cẩn trọng hơn", ông chia sẻ.
Dương Chung (Theo dantri.com.vn)