Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản, ngành Nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại và kết nối chuỗi cung ứng với các tỉnh, đặc biệt là thành phố Hà Nội, giúp nâng cao giá trị nông sản trên thị trường.
Thông qua các hội trợ thương mại đã mở ra cơ hội phát triển thị trường, giao thương hàng hóa nông sản của tỉnh. Ảnh: Thế Hùng
Hằng năm, ngành Nông nghiệp tỉnh sản xuất ra 320 nghìn tấn lúa, 240 nghìn tấn rau, 60 nghìn tấn trái cây (chuối, thanh long, bưởi), 135 nghìn tấn thịt hơi các loại, 790 triệu quả trứng, 1,9 nghìn tấn thủy sản. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh không có nhà máy, doanh nghiệp, cơ sở chế biến quy mô lớn.
Nhằm phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh; cung cấp thông tin về sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, cơ sở sản xuất tiêu biểu, doanh nghiệp phân phối nông sản của địa phương.
Tổ chức cho các doanh nghiệp sản xuất nông sản an toàn tham quan thực tế, tìm hiểu mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ nông sản; tham gia hội nghị xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố; ký kết biên bản hợp tác trong công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) với một số địa phương; phối hợp quản lý, kiểm soát ATTP giữa tỉnh với địa phương kết nối tiêu thụ.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh đã tổ chức thẩm định, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành và hậu kiểm về ATTP đối với 186 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; xử phạt vi phạm hành chính về ATTP đối với 5 doanh nghiệp, cơ sở với tổng số tiền 15,5 triệu đồng và đề nghị Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 1 doanh nghiệp số tiền 12 triệu đồng; tổ chức lấy gần 3.000 mẫu nông sản giám sát, kiểm tra nhanh và hậu kiểm ATTP theo quy định.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp gần 7.000 giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh; kiểm soát giết mổ gần 2.500 con lợn, hơn 840 nghìn con gia cầm.
Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh đã phối hợp, hỗ trợ xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; khảo sát, lựa chọn 32 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản đủ điều kiện tham gia thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), 1 cơ sở đủ điều kiện tham gia hỗ trợ chứng nhận hữu cơ.
Tổ chức 14 lớp tập huấn áp dụng quy trình VietGAP trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; 21 lớp tập huấn phổ biến, tuyên truyền về ATTP, hệ thống quản lý ATTP tiên tiến HACCP, ISO 22000:2018; lựa chọn, hướng dẫn, hỗ trợ chứng nhận 8 cơ sở áp dụng hệ thống quản lý ATTP theo HACCP, ISO 22000:2018.
Trên địa bàn tỉnh hiện duy trì 14 chuỗi cung cấp nông sản thực phẩm cho thành phố Hà Nội, gồm 11 chuỗi sản xuất, cung ứng rau, quả; 1 chuỗi sản xuất cung ứng thịt lợn; 1 chuỗi sản xuất, cung ứng thịt gà; 1 chuỗi sản xuất, tiêu thụ trà hoa vàng.
Điển hình như Công ty TNHH đầu tư sản xuất, phát triển nông nghiệp WinEco Tam Đảo, Công ty TNHH nấm Phùng Gia cung cấp ổn định rau, củ, quả, nấm cho thị trường Hà Nội thông qua hệ thống siêu thị Winmart với sản lượng hằng năm khoảng 2.000 tấn rau, củ, quả, 150 tấn nấm đùi gà, nấm yến.
Ngoài hệ thống siêu thị Winmart, nông sản của tỉnh còn được tiêu thụ tại các hệ thống cửa hàng thực phẩm, siêu thị và một số chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội như Công ty TNHH sản xuất và phân phối nông sản sạch OFP (xã Liên Châu, huyện Yên Lạc) cung cấp 200 tấn rau ăn lá/năm; HTX dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa (Tam Dương) cung cấp 1.000 tấn dưa chuột/năm...
Ngoài ra, các thương lái thu mua hàng chục nghìn tấn nông sản khác của tỉnh như thịt lợn, thịt gà, trứng gà, thủy sản, thủy cầm… để cung cấp cho thị trường Hà Nội. Ước số lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản cung cấp về thành phố Hà Nội mỗi năm đạt 12 nghìn tấn rau, củ, quả; hơn 50 triệu quả trứng gà; khoảng 10 nghìn tấn gà thịt; 20 nghìn tấn lợn thịt.
Đến hết tháng 9/2024, toàn tỉnh có 141 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 34 sản phẩm đạt chất lượng sản phẩm OCOP 4 sao, 107 sản phẩm đạt chất lượng sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là những sản phẩm có chất lượng tốt, đảm bảo ATTP, nguồn gốc rõ ràng, có mẫu mã, bao bì đa dạng, thân thiện với môi trường.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua Chương trình phối hợp đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông sản giao thương giữa Vĩnh Phúc với các tỉnh, thành phố; tham gia các hội chợ, phiên chợ quảng bá sản phẩm OCOP, nông sản an toàn do các tỉnh, thành phố tổ chức để giới thiệu, quảng bá sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng.
Mai Liên