“Lao động giỏi, lao động sáng tạo” là phong trào thi đua được các cấp Công đoàn trong tỉnh tích cực thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện môi trường làm việc an toàn, thân thiện cho người lao động (NLĐ).
Hằng năm, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã xây dựng và triển khai kế hoạch phát động các phong trào thi đua yêu nước trong đoàn viên, NLĐ, trong đó, trọng tâm là phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”.
Sáng kiến của chị Nguyễn Diễm Hằng, Trưởng ca Xưởng thuốc tiêm được áp dụng đã làm lợi cho Công ty cổ phần Dược phẩm Vĩnh Phúc hàng chục triệu đồng. Ảnh Dương Chung
Các cấp Công đoàn chú trọng tuyên truyền sâu rộng, động viên đoàn viên, NLĐ tích cực tham gia các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; thường xuyên biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, nhân rộng điển hình tiên tiến; tạo điều kiện cho đoàn viên, NLĐ thi đua học tập, nâng cao trình độ, thực hiện các đề tài, sáng kiến.
Các Công đoàn ngành, LĐLĐ huyện, thành phố, Công đoàn cơ sở (CĐCS) đã xây dựng, triển khai kế hoạch, phát động, cụ thể hóa nội dung thi đua gắn với nhiệm vụ chính trị, công việc cụ thể của từng ngành, lĩnh vực.
Ở khối hành chính sự nghiệp, phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” được gắn với thực hiện cuộc vận động xây dựng cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành - Trách nhiệm - Liêm chính - Sáng tạo”; CĐCS các trường học triển khai thực hiện gắn với phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”…
Ở khối doanh nghiệp, nội dung phong trào được các CĐCS triển khai tới từng tổ Công đoàn, đội sản xuất theo hướng vận động công nhân, NLĐ tập trung phát huy tính năng động, sáng tạo, tìm biện pháp kỹ thuật, gia công thiết bị nhằm hoàn thiện, hợp lý hóa sản xuất, giúp tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Việc triển khai hiệu quả phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đã thu hút và khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo của đoàn viên, NLĐ trên nhiều lĩnh vực với những sáng kiến, giải pháp hữu ích gắn liền với thực tiễn công tác, sản xuất mang lại hiệu quả thiết thực đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, mỗi năm, Công ty cổ phần Dược phẩm Vĩnh Phúc có hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật, trong đó nhiều sáng kiến đã được áp dụng vào thực tiễn.
Điển hình như sáng kiến “Thay đổi phương pháp quản lý, triển khai sản xuất quy trình dán nhãn ống thuốc 10ml giúp tăng năng suất, tiết kiệm chi phí” của chị Nguyễn Diễm Hằng, Trưởng ca Xưởng thuốc tiêm đã làm lợi cho công ty hàng chục triệu đồng.
Chia sẻ về sáng kiến của mình, chị Hằng cho biết: “Căn cứ vào thực tế công đoạn dán nhãn ống thuốc 10ml, do phi ống to khi đưa vào tủ sấy lượng ống sấy được ít, ống không kịp khô cho máy dán nhãn chạy nên năng suất đạt thấp.
Trước thực tế đó, tôi đã đề xuất quy trình dán nhãn ống thuốc 10ml bằng cách rửa, phơi khô tự nhiên. Trước khi dán nhãn đưa ống vào tủ sấy 15 phút cho hết ẩm, tránh bong nhãn khi dán. Nhờ đó, năng suất dán nhãn ống thuốc 10ml tăng từ 28.000 ống thuốc/1 ca lên 35.000 ống thuốc/1 ca; tủ sấy ống giảm thời gian hoạt động từ 6,5 giờ xuống còn 5,5 giờ; tăng năng suất 25%”.
Là cây sáng kiến của Công ty cổ phần Prime Tiền Phong, anh Vũ Minh Tuấn đã có nhiều sáng kiến được áp dụng vào thực tế, giảm sức lao động cho công nhân, tăng năng suất làm việc.
Anh Tuấn cho biết: "Hưởng ứng phong trào thi đua do các cấp Công đoàn và doanh nghiệp phát động, tôi đã có nhiều sáng kiến trong lao động sản xuất. Trung bình mỗi năm, tôi có 1 sáng kiến được công ty công nhận.
Gần đây nhất là sáng kiến “Gắn con chíp vào xe phà tải gạch kết nối với đường gòong để vận hành tự động”. Sáng kiến được triển khai, áp dụng đã mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm, an toàn lao động, nâng cao năng suất của dây chuyền, làm lợi cho doanh nghiệp hơn 10 tỷ đồng/năm”.
Theo thống kê của LĐLĐ tỉnh, từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh có hơn 355 nghìn sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải pháp hữu ích của công nhân, NLĐ được ứng dụng với tổng giá trị làm lợi hàng nghìn tỷ đồng.
Thông qua chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” và “1 triệu sáng kiến, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã có hơn 18 nghìn sáng kiến được đăng nhập trên hệ thống.
Nhiều sáng kiến có giá trị cao về mặt kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng suất lao động, giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp được khôi phục và phát triển; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Diệu Linh