Được xây dựng và đưa vào sử dụng khoảng 50 năm, Khu nhà 8T, phường Xuân Hòa và Khu chung cư cũ của Công ty cổ phần In Phúc Yên nằm trên địa bàn phường Trưng Trắc, thành phố Phúc Yên đã xuống cấp nghiêm trọng. Chính quyền thành phố và các cơ quan chức năng đã có kế hoạch di dời dân để tiến hành tháo dỡ. Tuy nhiên, việc bố trí tái định cư như thế nào cho các hộ dân đang sinh sống tại 2 khu nhà còn gặp nhiều khó khăn.
Thấp thỏm âu lo
Hành lang tối om, không hệ thống báo cháy, sàn nhà và tường trong ngoài đều xập xệ, bong tróc… là cảnh tượng diễn ra thường ngày tại nhà chung cư, nhà tập thể trên địa bàn thành phố Phúc Yên. Dù tình trạng xuống cấp đã diễn ra nhiều năm nay nhưng nhiều hộ dân vẫn sống, sinh hoạt tại những tòa nhà này, bất chấp hiểm nguy rình rập.
Tọa lạc trên đường Trưng Trắc, cách trung tâm hành chính phường khoảng 200 m về phía Đông Bắc, khu nhà chung cư của Công ty cổ phần In Phúc Yên được xây dựng từ năm 1972 có diện tích gần 7 nghìn m2 gồm 1 khối nhà 4 tầng, 1 khối nhà 2 tầng và khuôn viên. Với tuổi đời hơn nửa thế kỷ, không khó để thấy được dấu vết thời gian của công trình này.
Nhiều cấu kiện cột, dầm... đã bị hư hỏng trơ thép hoen rỉ, đây là tình trạng chung đang diễn ra tại Khu nhà 8T và Khu chung cư cũ của Công ty cổ phần In Phúc Yên.
Nhìn từ phía mặt đường vào là những bức tường đã bong tróc hết lớp vôi vữa, lộ ra những mảng gạch cũ kỹ. Tại các dãy hành lang, cầu thang, tường, dầm và trần nhà nhiều chỗ bị vỡ lộ ra những đoạn sắt hoen rỉ; các khu vực như bếp, công trình phụ của các hộ gia đình đều được sửa chữa tạm bợ, bốc mùi ẩm mốc. Theo thống kê, cả khu chung cư có hơn 96 căn hộ, hiện có hơn 60 căn được sử dụng.
“Nước dột lâu ngày đóng cặn, bám chặt vào từng mảng tường bong tróc... khiến cuộc sống của cư dân giữa thành phố Phúc Yên khổ hơn cả vùng nông thôn. Vì vậy, chúng tôi hy vọng sẽ sớm có dự án triển khai xây dựng khu tập thể để cư dân có thể sống trong môi trường an toàn và tiện nghi hơn. Khi có dự án được triển khai mang tính khả thi và có lộ trình rõ ràng, người dân sẵn sàng dời đi theo yêu cầu, quy định của thành phố” - nhiều người dân sống ở Khu nhà chung cư Công ty cổ phần In Phúc Yên bày tỏ.
Khu tập thể 8T, thuộc tổ dân phố 2, phường Xuân Hòa được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước do Công ty cổ phần Môi trường và Đô thị Phúc Yên đứng ra cho các hộ dân thuê. Khu nhà cao 5 tầng, quy mô 100 căn hộ, có 69 hộ gia đình, cá nhân sử dụng, diện tích 19 m2/phòng. Sau nhiều năm sử dụng, đến nay khu nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều cấu kiện cột, dầm, sàn cầu thang đã bị hư hỏng.
Năm 1994, UBND thị trấn Xuân Hòa (cũ) xây dựng và bán 20 gian ki ốt phía trước nhà 8T cho 18 hộ dân để kinh doanh với diện tích 13,5m2/ki ốt. Hiện 19 ki ốt đang được các hộ đấu nối thông với các căn ở tầng 1 tòa nhà 8T để sử dụng; ngoài ra trong tòa nhà 8T còn 15 người vẫn đang ở lại chưa di dời. Sau bão số 3 vừa qua UBND thành phố đã chỉ đạo UBND phường Xuân Hòa vận động các hộ di dời, hiện còn 2 hộ chưa di chuyển do phải chăm sóc người thân bị ốm.
Đẩy nhanh tiến độ khắc phục
Thực trạng xập xệ, xuống cấp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân đang diễn ra tại một số khu tập thể cũ trên địa bàn thành phố Phúc Yên. Tuy nhiên, việc giải quyết, xử lý các khu tập thể này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cần sớm được các cấp, các ngành vào cuộc tháo gỡ.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND phường Trưng Trắc Nguyễn Văn Cường cho biết: "Khu tập thể của Công ty cổ phần In Phúc Yên xuống cấp nhiều năm nay và ngày càng nghiêm trọng. Thực hiện chỉ đạo của thành phố, từ năm 2021, địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, vận động và tổ chức hội nghị đối thoại với các hộ dân về phương án di dời, phá dỡ chung cư".
“Quá trình tuyên truyền vận động, đối thoại, đa số các hộ dân đều đồng ý di dời khỏi chung cư để thực hiện việc phá dỡ, nhưng các hộ gia đình ở đây yêu cầu được cam kết về thời gian, tiến độ triển khai, hoàn thành dự án và một số những đảm bảo khác khi họ di dời khỏi chung cư.
Tuy nhiên, do một số yêu cầu của các hộ gia đình vướng các cơ chế chính sách, nên chưa tạo được sự đồng thuận thống nhất, do vậy việc di dời người dân nhiều năm nay chưa thực hiện được" - Chủ tịch UBND phường Trưng Trắc Nguyễn Văn Cường chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, Trưởng Phòng Quản lý đô thị thành phố Phúc Yên Vũ Hồng Thành chia sẻ: "Qua kiểm tra, đánh giá, thẩm định của các cơ quan chức năng cho thấy, 2 khu tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào, vì vậy cần thực hiện tháo dỡ toàn bộ các công trình để đảm bảo an toàn cho dân cư sống tại khu tập thể và nhân dân xung quanh".
Cần thực hiện tháo dỡ toàn bộ các công trình để đảm bảo an toàn cho dân cư sống tại khu tập thể và nhân dân xung quanh.
Để giải quyết tồn tại Khu chung cư cũ của Công ty cổ phần In Phúc Yên, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch phá dỡ theo lộ trình thời gian từ tháng 9/2021 đến năm 2025.
Đối với tòa nhà 8T, qua nhiều năm triển khai, đến nay việc thanh lý, tháo dỡ nhà 8T, giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện dự án nhà ở thu nhập thấp 8T chưa thực hiện được. Nguyên nhân chính là nhiều người dân không di dời ra khỏi tòa nhà, do không đồng thuận với việc tái định cư, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.
Được biết, ngày 16/7/2024, Thanh tra tỉnh đã có Kết luận số 55 về việc Thanh tra trách nhiệm đối với việc quản lý, sử dụng, công tác bồi thường GPMB và tình hình triển khai dự án Khu nhà ở thu nhập thấp 8T; trong đó cũng chỉ ra các tồn tại, vướng mắc và kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và UBND thành phố.
Ngày 21/8/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đã họp và có chỉ đạo giải quyết đối với Khu nhà 8T tại Thông báo số 119, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính và UBND thành phố Phúc Yên, Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng số 18.3.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh và kết luận của Thanh tra tỉnh, để đảm bảo thời gian, tiến độ giải quyết, xử lý các khu tập thể xuống cấp, UBND thành phố đang quyết liệt chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn liên quan phối hợp chặt chẽ với UBND phường Trưng Trắc, phường Xuân Hòa đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để các hộ gia đình đồng thuận phương án di dời.
Trong trường hợp các hộ gia đình tiếp tục không chịu di dời theo phương án được phê duyệt thì tiến hành hoàn thiện hồ sơ, quy trình, thủ tục để cưỡng chế di dời, đảm bảo cho việc phá dỡ các công trình được thực hiện theo kế hoạch đã đề ra.
Bài, ảnh: Thiệu Vũ