Thời gian gần đây, món cơm nắm tam giác tại các cổng trường tiểu học được nhiều học sinh yêu thích bởi lạ miệng, dễ ăn. Cơm nắm tam giác được trộn với nhiều loại gia vị, rau củ quả, ruốc, xúc xích, rong biển… nên dễ bị ôi thiu nếu không được bảo quản đúng cách, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay. Thực tế, đầu tháng 4/2025, tại tỉnh Nghệ An đã xảy ra vụ việc 12 học sinh bị ngộ độc thực phẩm do ăn cơm nắm nên người dân cần thận trọng khi mua món ăn đường phố này cho con em mình.
Món ăn "hot trend" của học sinh
Món cơm nắm được nhiều học sinh nhận xét ngon, lạ miệng lại được bao gói bằng những túi nilon có các hình dán ngộ nghĩnh nên được các em yêu thích, mua ăn vào buổi sáng. Mỗi nắm cơm nhỏ xinh có giá 5.000 đồng, rất vừa túi tiền người dân nên được tiêu thụ nhiều trước cổng trường tiểu học.
Cơm nắm được nêm nhiều loại gia vị cùng các loại củ, quả như cà rốt, ngô ngọt, ruốc, xúc xích, rong biển (thái nhỏ)… tạo màu sắc bắt mắt. Trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, vào buổi sáng, chiều, tại các cổng trường tiểu học có nhiều hàng bán cơm nắm cho học sinh. Mỗi học sinh được bố mẹ cho tiền mua từ 1-2 nắm cơm. Hàng trăm nắm cơm được tiểu thương để trong những chiếc thùng giữ nhiệt và nhanh chóng bán hết trước giờ vào lớp hoặc sau mỗi buổi chiều tan học.

Món cơm nắm tam giác được bày bán ở nhiều cổng trường tiểu học.
Thời điểm mới có mặt trên thị trường, món cơm nắm tam giác “gây bão” ở các cổng trường khi lấn át các món ăn truyền thống như xôi, bánh mì, bánh bao. Thậm chí, món ăn này còn trở thành trend của học sinh khi nhiều bạn chưa được ăn nhất quyết đòi bố mẹ mua bằng được để thưởng thức.
Ngày 14/4, trên trang facebook cá nhân, một phụ huynh đã có bài viết cảnh báo món cơm nắm tam giác trước cổng trường gây ngộ độc thực phẩm cho người thân của mình. Cụ thể, chị L.Th viết: “Các mẹ khu vực Tiền Phong (Hà Nội) chú ý nhé. Cháu em học cấp 2, đi học trưa về đói quá mua cơm nắm ở cổng trường ăn và bị “miệng nôn trôn tháo” đang nằm viện. Các mẹ nhắc con trưa về cơ thể đang đói và mệt, dễ bị phản ứng với thức ăn không đảm bảo…”.
Trước đó, vào ngày 9/4, tại tỉnh Nghệ An, 12 học sinh tiểu học ở thị trấn Đô Lương có biểu hiện đau bụng, nôn mửa sau khi ăn cơm nắm trước cổng trường.

Cơm nắm tam giác được học sinh tiểu học yêu thích do có rong biển lạ miệng.
Ngay sau khi phát hiện, nhà trường đã thông báo cho phụ huynh và đưa các cháu đến Trạm y tế thị trấn Đô Lương để kiểm tra và điều trị. Sau khi được truyền dịch và theo dõi y tế, chiều tối cùng ngày, sức khỏe của các cháu đã ổn định và được đưa về nhà.
Xác minh ban đầu cho thấy, 12 học sinh trước lúc bị đau bụng, buồn nôn đều có ăn cơm nắm gồm cơm, trứng, cà rốt và rong biển. Trước sự việc này, Trường tiểu học thị trấn Đô Lương đã kiến nghị chính quyền địa phương kiểm tra và chấn chỉnh hoạt động bán hàng vỉa hè quanh khu vực trường học nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), phòng ngừa nguy cơ xảy ra các vụ việc tương tự.
Yếu tố tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm
Thực tế cho thấy, cơm nắm tuy sử dụng tiện lợi nhưng nếu không được bảo quản đúng cách rất dễ bị hỏng dưới thời tiết nắng nóng như hiện nay. Nhất là khi cơm nắm được làm từ sáng sớm đến chiều mới bán hết, món ăn lại được trộn nhiều loại gia vị như mè rang, xì dầu, sốt mayonnaise và các loại rau, củ, quả nên dễ ôi thiu trong ngày hè.
Trước những vụ việc ngộ độc thực phẩm xảy ra do cơm nắm, phụ huynh nên cân nhắc khi mua cho con em mình các món ăn không đảm bảo ở cổng trưởng. Nếu mua thì nên chọn lựa những nơi bán hàng uy tín, chỉ mua vào buổi sáng sớm, khi cơm nắm mới làm, vẫn còn nóng ấm. Không nên mua vào buổi trưa, chiều vì món ăn dễ bị hỏng do để lâu dưới nền nhiệt cao, không được bảo quản đúng cách. Nhất là trong bối cảnh các cửa hàng bán đồ ăn nhanh ở cổng trường hiện nay hầu hết không có các thiết bị bảo quản chuyên nghiệp; việc bảo quản thực phẩm chưa được tiểu thương quan tâm đúng mức, trong khi lượng cơm nắm tiêu thụ lại lớn.
Hiện nay, thời tiết đang bước vào mùa hè oi nóng, các nhà trường và địa phương cần phối hợp với phụ huynh tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở học sinh không tự ý mua đồ ăn không đảm bảo ở ngoài cổng trường. Đồng thời khuyến khích các gia đình chuẩn bị bữa sáng cho con tại nhà để phòng tránh các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.
Với chủ đề “Bảo đảm ATTP, trong đó chú trọng ATTP bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”, trong Tháng cao điểm vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm nay, các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Không ít học sinh bị ngộ độc thực phẩm vì món cơm nắm ở cổng trường.
Các đối tượng kiểm tra lần này được lực lượng chức năng hướng đến là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố; cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học, bệnh viện...
Cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức nhận biết, lựa chọn thực phẩm an toàn cho người thân và gia đình. Khi tất cả cùng chung tay hành động, thực phẩm an toàn sẽ không còn là khẩu hiệu mà sẽ hiện hữu trong từng bữa ăn hằng ngày của mỗi gia đình.
Bài, ảnh: Hà Trần