Gạt nước mắt động viên chồng, con lên đường ra mặt trận để bảo vệ Tổ quốc và không ít người chồng, người con của các Mẹ vĩnh viễn không thể trở về; giấu nước mắt vào tim, kiên cường tiếp tục lao động sản xuất, chi viện cho tiền tuyến… Những hy sinh thầm lặng, vĩ đại của các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã góp phần làm nên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc. Cuộc đời và sự cống hiến to lớn của các Mẹ mãi mãi là tấm gương sáng ngời cho lớp lớp thế hệ mai sau noi theo.
Các hoạt động tri ân, chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng được đoàn viên, thanh niên xã Vĩnh Phú (Vĩnh Tường) triển khai thường xuyên.
Chúng tôi tới thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Cún, xã Vĩnh Phú (Vĩnh Tường) vào một ngày cuối tháng 4, khi cả nước đang hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; nhiều hoạt động tri ân các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với cách mạng đang được các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tích cực triển khai.
Dù đã bước sang tuổi 98, đôi mắt Mẹ đã mờ, đôi tai đã không còn nghe rõ nhưng những kỷ niệm của Mẹ về chồng và con trai vẫn không hề phai nhạt. Năm 1968, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chồng Mẹ là liệt sĩ Nguyễn Kiêm Thế đã tự nguyện viết đơn xung phong lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam.
Tháng 9/1969, Mẹ Cún bàng hoàng nhận được hung tin chồng hy sinh. Nén nỗi đau, nuốt nước mắt vào trong, Mẹ dặn lòng phải kiên cường, vững tâm để làm điểm tựa cho cả gia đình, chăm sóc cha mẹ già, nuôi dạy 5 người con khôn lớn nên người để chồng nơi chín suối được yên nghỉ.
Tiếp bước truyền thống cách mạng của gia đình, năm 1970, con trai cả của Mẹ Cún là Nguyễn Kiêm Giới xung phong lên đường nhập ngũ khi mới 19 tuổi, vừa học xong bậc phổ thông. Nước mắt chưa kịp khô, nỗi đau mất chồng chưa kịp nguôi ngoai, năm 1971, Mẹ Cún tiếp tục nhận được giấy báo tử của con trai…
Đoàn viên, thanh niên xã Vĩnh Phú (Vĩnh Tường) thăm hỏi Mẹ Việt Nam Anh hùng Phùng Thị Mỹ.
Nhắc đến những kỷ niệm ngày tiễn đưa chồng, con lên đường nhập ngũ, rồi 2 lần nhận giấy báo tử của chồng và con trai, đôi mắt Mẹ Cún nhòa trong nước mắt. Ngày ra đi, cả 2 đều hứa sẽ trở về với mẹ khi chiến tranh kết thúc, đất nước hòa bình, thống nhất. Thế nhưng, lời hứa đó vĩnh viễn không thể thực hiện. Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Mẹ vui với niềm vui chung của cả dân tộc nhưng lại đau nỗi đau riêng vì chồng, con vĩnh viễn không trở về.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Phùng Thị Mỹ, xã Vĩnh Phú, (Vĩnh Tường) cũng 2 lần nhận giấy báo tử của chồng là liệt sĩ Nguyễn Công Ty và con trai là liệt sĩ Nguyễn Công Tại. Đưa khăn chấm nước mắt, Mẹ Mỹ nghẹn ngào nhắc lại những kỷ niệm với chồng, với người con trai cả của mình. Ở tuổi 90, Mẹ vẫn canh cánh nỗi lòng vì chưa tìm được hài cốt của chồng.
Đất nước thống nhất, được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, gia đình đã tìm được mộ của liệt sĩ Nguyễn Công Tại. Hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Công Ty vẫn đang được tìm kiếm nhưng hiện chưa có thông tin gì…
Kết thúc các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, toàn tỉnh có hơn 1.500 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện 11 Mẹ còn sống). Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, nhằm tri ân những hy sinh, đóng góp to lớn của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, ngoài thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi của Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trên toàn tỉnh luôn chú trọng thực hiện tốt các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của các Mẹ.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Phùng Thị Mỹ bên tấm di ảnh của con trai - liệt sĩ Nguyễn Công Tại. Ảnh: Trà Hương
Bên cạnh đóng góp xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa”, nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các ban, ngành, đoàn thể đã có những hoạt động ý nghĩa, thiết thực chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng như xây dựng nhà tình nghĩa; trao sổ tiết kiệm; đăng ký chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời; thường xuyên quan tâm thăm hỏi, động viên tinh thần; tổ chức thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng nhân các ngày lễ, Tết...
Hiện, 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời; 100% gia đình người có công trên địa bàn tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương.
Trong thời chiến, các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã động viên chồng, con lên đường chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, là điểm tựa, hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. Hòa bình lập lại, dù chịu biết bao đau thương, mất mát nhưng các Mẹ vẫn luôn kiên cường, nỗ lực lao động sản xuất, nuôi dạy con cháu nên người, gương mẫu tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương, đóng góp cho sự phát triển của quê hương, đất nước...
Những hy sinh thầm lặng, to lớn, cao cả của các Mẹ đã tô đậm thêm những phẩm chất, đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, là biểu tượng cao đẹp, tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng để các thế hệ mai sau học hỏi và phát huy, nỗ lực phấn đấu trong lao động, học tập để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với sự hy sinh của bao thế hệ cha anh đi trước.
Lê Mơ