Vĩnh Phúc là tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh, mỗi năm có từ 150 - 200 ha diện tích đất nông nghiệp chuyển đổi sang các dự án xây dựng khu công nghiệp, đô thị, làm đường giao thông...
Áp dụng cơ giới hóa đã mang lại hiệu quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Yên Lạc.
Theo thống kê, từ năm 2013 đến nay, diện tích trồng lúa cả năm trên địa bàn tỉnh giảm hơn 7.500 ha nên việc giữ ổn định diện tích đất trồng lúa là yêu cầu cấp thiết.
Thực hiện Chỉ thị số 24 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai sản xuất lúa theo kế hoạch được giao hàng vụ, hàng năm, đảm bảo ổn định diện tích đất trồng lúa, đặc biệt là đất 2 vụ lúa.
Theo chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 1917 của UBND tỉnh về việc phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch sử dụng đất 5 năm trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025, diện tích trồng lúa nước toàn tỉnh là hơn 25.000 ha; đến năm 2030, toàn tỉnh giữ ổn định 23.593 ha đất chuyên trồng lúa nước, phấn đấu sản lượng lúa đạt hơn 250 nghìn tấn.
Với nhiệm vụ được giao, ngành NN&PTNT đã sử dụng linh hoạt diện tích đất trồng lúa; phát triển sản xuất lúa ở vùng quy hoạch tập trung được đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi; chuyển dịch mạnh cơ cấu giống, mùa vụ theo hướng sản xuất tập trung hàng hóa, mở rộng diện tích lúa xuân muộn, lúa mùa sớm, đưa nhiều giống lúa năng suất, chất lượng, giá trị cao vào gieo cấy và áp dụng quy trình canh tác bền vững, giảm vật tư đầu vào.
Tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ mở rộng diện tích lúa chất lượng, lúa hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ tại các địa phương; tăng cường chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, sản xuất hữu cơ, tuần hoàn gắn với chuỗi giá trị cho cây lúa nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật hóa học, giảm chi phí đầu vào, đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường; đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa trong thu hoạch, sơ chế, bảo quản và chế biến.
Giai đoạn 2013 - 2020, tỉnh đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người dân gần 100 nghìn ha diện tích gieo cấy các giống lúa chất lượng phù hợp với điều kiện canh tác ở các địa phương như Thiên ưu 8, RVT, HT1, BC 15…
Riêng trong năm 2023, tỉnh hỗ trợ hơn 700 tấn giống lúa mới các loại, tương đương 15.000 ha; triển khai xây dựng nhiều mô hình trình diễn giống lúa mới, sản xuất lúa hữu cơ bằng giống DT39 Quế Lâm của Tập đoàn Quế Lâm.
Với những kết quả trên, mặc dù diện tích đất trồng lúa có giảm nhưng sản lượng lúa vẫn tăng cao. Trong đó, tỷ lệ giống lúa chất lượng đạt 76,9% tổng diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh, tăng 0,7% so với năm 2020.
Tin, ảnh: Hà Trần