Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên cả nước, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, tiêu độc khử trùng; xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.
Theo thông báo của Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước xảy ra hơn 660 ổ DTLCP tại 44 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy hơn 44.200 con lợn, phần lớn tại các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Nam và Long An... gây thiệt hại cho người chăn nuôi.
Trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm đến nay không phát hiện ổ dịch bệnh DTLCP trên đàn lợn, tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước, nguy cơ xảy ra và lây lan dịch bệnh trên địa bàn tỉnh rất cao.
Chủ động phòng chống, kiểm soát bệnh DTLCP kịp thời, hiệu quả, UBND tỉnh đã có Công văn số 5567, yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP.
Trong đó, tập trung kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh DTLCP để phát hiện sớm, báo cáo và có biện pháp xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bị bệnh, vứt xác lợn chết, giấu dịch, chậm khai báo làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; kiểm tra, kiểm soát, xử lý các đối tượng vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa được kiểm dịch của cơ quan thú y.
Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình anh Mạc Tuấn Hải, xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch thường xuyên phun thuốc khử trùng, tiêu độc, phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Thế Hùng
Những ngày này, hệ thống thú y từ tỉnh đến cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn người chăn nuôi theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh, tiêu độc khử trùng; tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như Lở mồm long móng, Tai xanh, Dịch tả lợn cổ điển, DTLCP cho đàn lợn thịt theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT; thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y theo phân cấp; đẩy mạnh xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.
6 tháng đầu năm 2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã cấp 4.825 giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh, giảm 1.826 giấy so với cùng kỳ năm 2023; kiểm soát giết mổ 1.677 con lợn, 521.218 con gia cầm; triển khai, hướng dẫn 20 cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật và cấp giấy chứng nhận.
Từ ngày 15/5 - 15/6/2024, các địa phương trong tỉnh đã tiêm phòng vắc xin đợt I/2024 cho hơn 3,4 triệu con gia súc, gia cầm; phun khử trùng, tiêu độc môi trường chăn nuôi cho 102.120 hộ tại 1.144 thôn, tổ dân phố của 134 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Với quy mô chăn nuôi 1.600 lợn thịt, 600 lợn nái, anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ trang trại tại thôn Cao Quang, xã Cao Minh (Phúc Yên) luôn thực hiện phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để bảo vệ an toàn đàn vật nuôi trước diễn biến bệnh DTLCP.
Toàn bộ công nhân làm việc ở trang trại đều ăn, ở tại chỗ và thực hiện đúng quy trình chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ người và động vật ra vào khu vực chăn nuôi. Tại lối ra vào chuồng nuôi bố trí hố khử trùng, thay bảo hộ lao động cho người ra, vào khu vực chăn nuôi; rắc vôi bột lối đi, hành lang và xung quanh chuồng nuôi, trước các cổng ra, vào trang trại 2 -3 lần/tuần.
Vệ sinh máng ăn, máng uống hằng ngày; thiết bị, dụng cụ chăn nuôi và phương tiện phục vụ trong chăn nuôi được tiêu độc, khử trùng thường xuyên. Bổ sung chế phẩm sinh học trong thức ăn để tăng khả năng tiêu hóa, sức đề kháng cho đàn lợn.
Nhờ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh, mỗi tháng, trang trại của anh Tuấn xuất bán hơn 400 con lợn thịt và cung cấp 700 - 800 con lợn giống cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Trang trại của gia đình anh Tuấn còn tạo việc làm cho 23 lao động địa phương, thu nhập bình quân từ 8 - 9 triệu đồng/người/tháng.
Theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, các hộ chăn nuôi cần áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; lựa chọn con giống tại các cơ sở uy tín; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng thường xuyên; xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh; sử dụng vắc xin DTLCP cho đàn lợn theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
Khi phát hiện có DTLCP, cần thông tin kịp thời cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y nơi gần nhất và thực hiện 5 không là không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý cho lợn ăn.
Mai Liên