Nhằm giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, nhiều hộ nông dân đã đổi mới tư duy, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kết hợp du lịch trải nghiệm. Qua đó tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, hướng tới nền nông nghiệp sạch, an toàn, thông minh.
Chị Văn Thị Yến ở thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường ứng dụng công nghệ cao vào trồng dưa leo Nhật, dưa lưới, nho sữa Hàn Quốc theo phương thức luân canh gối vụ cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Nguyễn Lượng
Thời tiết những ngày trung tuần tháng 8/2024 nắng, mưa thất thường nhưng trang trại rộng 5.000m2 đang trồng 12.000 cây dưa lưới của ông Nguyễn Xuân Học, Giám đốc Công ty TNHH nông nghiệp và dịch vụ thương mại Thanh Xuân (xã Hồng Châu, huyện Yên Lạc) hầu như không bị ảnh hưởng bởi thời tiết và sự xâm nhập của nguồn sâu bệnh ở môi trường xung quanh do ứng dụng công nghệ cao đã tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
Cuối năm 2020, ông Học đầu tư hơn 4 tỷ đồng xây dựng 3 nhà màng trồng giống dưa Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc trên giá thể, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel; phân bón sử dụng cho cây là phân vi sinh, được hòa tan vào nước, tưới cho cây thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP.
Người lao động tại đây cũng tuân thủ các điều kiện khử khuẩn trước khi vào chăm sóc cây trồng. Nhờ thực hiện nghiêm ngặt các điều kiện trồng và chăm sóc, năm 2021, sản phẩm dưa lưới của công ty được UBND tỉnh cấp Chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Theo ông Học, dưa lưới là cây trồng ngắn ngày, dễ bị sâu bệnh khi gặp thời tiết bất lợi và mất mùa khi nắng, mưa thất thường. Khi trồng dưa lưới trong nhà màng sẽ giúp che mưa và ngăn côn trùng xâm nhập, hạn chế sâu bệnh; đồng thời có thể trồng dưa quanh năm do không phụ thuộc vào thời tiết, tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe người trồng và người tiêu dùng.
Với quy mô trồng 5.000m2, sản lượng dưa ước đạt hơn 10 tấn/vụ, giá bán từ 35 - 40 nghìn đồng/kg, mang lại doanh thu cho công ty từ 350 - 400 triệu đồng/vụ.
Từ diện tích đất khó canh tác, chị Văn Thị Yến, thị trấn Tứ Trưng (Vĩnh Tường) đã mạnh dạn chuyển đổi 2ha lúa sang trồng dưa leo Nhật, dưa lưới theo phương thức luân canh gối vụ ứng dụng công nghệ cao.
Tháng 4/2024, được sự hỗ trợ về giống, kỹ thuật của Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Tường, chị Yến đã triển khai trồng dưa lê Cẩm Ngọc trong nhà lưới ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt với diện tích 1.000 m2, năng suất đạt 3 tấn, giá bán 35 nghìn đồng/kg, cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Trước đây, trang trại của chị Yến chủ yếu trồng các loại rau cải, rau ngót, rau mồng tơi ở ngoài trời nên khi thời tiết thay đổi, cây trồng dễ mắc bệnh, mất mùa. Chị Yến đã chủ động tìm hiểu các mô hình hiệu quả và thay đổi tư duy sản xuất.
Từ năm 2021 đến nay, chị Yến đầu tư 6.000m2 nhà lưới, nhà kính trồng dưa leo Nhật, dưa lưới, nho sữa Hàn Quốc theo phương thức luân canh gối vụ, kết hợp mô hình trải nghiệm nông nghiệp; tích cực quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số, từ đó, tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, chị Yến trồng được 2.000 m2 dưa lê Cẩm Ngọc, 4.000m2 dưa lưới, sản lượng ước đạt 18 tấn, với giá bán 30 -35 nghìn đồng/kg đã đem về thu nhập hơn 550 triệu đồng.
Việc thay đổi tư duy sản xuất từ làm theo kinh nghiệm, thuận tự nhiên sang áp dụng khoa học công nghệ đã giúp nông dân chủ động sản xuất, khắc phục tính mùa vụ, giảm lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu đã đem lại những hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Qua đó tạo ra nông sản có giá trị kinh tế cao quanh năm, đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại thu nhập cao, ổn định cho người nông dân, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp, hộ nông dân đều có chung điểm nghẽn về vốn, cơ chế đầu tư của Nhà nước và sức cạnh tranh về giá của sản phẩm nông nghiệp sạch trên thị trường.
Phần lớn các hộ nông dân vẫn tự tìm đầu ra cho sản phẩm và cung ứng cho khách lẻ đến vườn. Trong khi đó, đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do đô thị hóa, biến đổi khí hậu, trong khi dân số ngày càng tăng đã đặt ra những thách thức rất lớn trong sản xuất nông nghiệp.
Trong định hướng phát triển từ nay đến năm 2025, tỉnh xác định chuyển đổi số là một trong những chìa khó” quan trọng để giải bài toán nâng cao năng suất, chất lượng nông sản.
Trong điều kiện sản xuất còn nhiều khó khăn như hiện nay, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, từng bước chuyển dịch từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp; xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm.
Đẩy mạnh hỗ trợ kết nối người dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp với các sàn thương mại điện tử; xây dựng phần mềm sổ tay điện tử và kết nối cơ sở dữ liệu giúp nhà quản lý, người dân, doanh nghiệp trong tỉnh tra cứu các quy trình kỹ thuật sản xuất, thủ tục hành chính, dự tính, dự báo và hướng dẫn phòng trừ sinh vật có hại đối với cây trồng... qua đó giúp nâng cao giá trị nông sản trên thị trường.
Mai Liên