Những năm gần đây, tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các địa phương tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ mùa mang lại giá trị kinh tế cao, tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.
Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh liên kết với nhiều đơn vị khảo nghiệm, nhân rộng nhiều giống lúa mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, có khả năng chống chịu sâu bệnh hại, cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Ảnh: Nguyễn Lượng
Xác định tầm quan trọng của lĩnh vực nông nghiệp, những năm gần đây, tỉnh chỉ đạo quyết liệt các địa phương dồn ghép ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung hàng hóa phù hợp với từng vùng, địa phương trên đồng ruộng; hỗ trợ giống tốt, thuốc bảo vệ thực vật mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hằng năm, theo mùa vụ, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất; liên hệ với các đơn vị chức năng của trung ương và tỉnh cung ứng đủ giống chất lượng phục nhu cầu gieo trồng của nông dân.
Hướng dẫn nông dân quy trình kỹ thuật sản xuất, ứng dung khoa học công nghệ trồng, chăm sóc lúa và rau màu, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế; vận động nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ, quy trình VietGAP tạo ra sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe người dân và tăng thu nhập; tích cực xây dựng mô hình liên kết sản xuất cho các nông sản.
Đến nay, 9/9 huyện, thành phố trong tỉnh đã quy hoạch hình thành các vùng sản xuất trồng trọt tập trung hàng hóa. Những vùng chuyên canh cấy lúa trước đây giờ trở thành vùng sản xuất luân canh lúa và cây rau màu, vùng trồng cây dược liệu, cây dùng làm thức ăn chăn nuôi, cây xuất khẩu, cây ăn quả giá trị cao.
Trên cơ sở phương án, định hướng của tỉnh, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương, hướng dẫn đôn đốc nông dân thực hiện nghiêm lịch thời vụ theo cơ cấu từng trà; đồng thời, sử dụng các loại giống theo đúng cơ cấu, bảo đảm thời gian sinh trưởng theo mùa vụ, tạo tiền đề để sản xuất vụ đông.
Việc tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp về chuyển dịch cơ cấu mùa vụ đã giúp cho diện tích trà lúa mùa cực sớm, mùa sớm và chính vụ ngày càng được mở rộng.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Vĩnh Phúc vụ Mùa 2024: Hiện tượng ENSO suy yếu dần đến tháng 6/2024, sau đó có khả năng chuyển sang trạng thái trung tính, đến nửa cuối năm 2024. ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái LaNina với xác suất khoảng 65 - 75%.
Dự báo số lượng bão và ATNĐ có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 6 - 9 cơn, trong đó có khoảng 2 - 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp tới tỉnh Vĩnh Phúc.
Nắng nóng gay gắt, diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39 - 410C, cao điểm của nắng nóng là tháng 6, có khả năng kéo dài đến cuối tháng 8 (nhiệt độ cao hơn TBNN từ 0,5-1,50C). Lượng mưa có xu hướng xấp xỉ hoặc cao hơn TBNN, tuy nhiên thời tiết cực đoan xảy ra khó lường.
Vì vậy, sản xuất vụ màu năm nay sẽ gặp không ít khó khăn. Theo đó, tỉnh chỉ đạo chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu vụ mùa theo hướng đẩy mạnh sản xuất lúa mùa cực sớm, mùa sớm và mùa chính vụ, giảm dần diện tích mùa muộn để né tránh lụt bão.
Trên cơ sở phương án, định hướng của tỉnh, ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, đôn đốc nông dân thực hiện nghiêm lịch thời vụ theo cơ cấu từng trà; đồng thời sử dụng các loại giống theo đúng cơ cấu, bảo đảm thời gian sinh trưởng theo kế hoạch, tạo tiền đề sản xuất vụ đông thuận lợi.
Việc tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp về chuyển dịch cơ cấu mùa vụ đã giúp cho diện tích trà lúa mùa cực sớm, mùa sớm và chính vụ ngày càng được mở rộng.
Vụ Mùa 2024, đối với cây lúa, trà mùa sớm được coi trà lúa chủ lực của tỉnh, ngành Nông nghiệp định hướng nông dân sử dụng các giống lúa thuần ADI28, ADI168, DT39 Quế Lâm, Sơn Lâm 2, TBR225, Hà Phát 3, Hương Bình, QR15, BQ, Tân ưu 98, Hương Cốm 4, BG6... thời vụ gieo từ ngày 01-10/6, tuổi mạ 10 -15 ngày.
Trà Mùa trung gồm các giống HT1, Sơn Lâm 2,... gieo từ ngày 10 -15/6, tuổi mạ 15 - 30 ngày.
Đối với cây ngô sử dụng các giống như NK4300, CP511, ngô nếp, ngô ngọt,… thời vụ gieo từ ngày 10 -15/6.
Đối với cây đậu tương bố trí trên chân đất cao hạn, đất chuyên màu các giống DT84, DT2001, DT2008,… thời vụ gieo từ ngày 1-10/6.
Cây rau màu và cây hàng năm khác, thực hiện đa dạng hoá chủng loại sản phẩm rau nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn, đẩy mạnh áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), sản xuất theo hướng hữu cơ. Tăng cường công tác quản lý, giám sát chất lượng từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Phấn đấu tổng diện tích gieo trồng cây vụ Mùa đạt 32.000 ha, trong đó, cây lúa 23.300 ha; vụ Đông đạt 14.500 ha, trong đó, ngô 5.500 ha, rau: 5.300 ha,....
Tổng sản lượng lương thực có hạt 164,5 nghìn tấn; trong đó vụ Mùa, sản lượng lúa 130,5 nghìn tấn, ngô 7.600 tấn; vụ Đông cây ngô đạt 26,4 nghìn tấn. Tỷ lệ diện tích gieo cấy lúa chất lượng trong vụ mùa 2024 đạt 75% trở lên.
Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng mở rộng diện tích cây hàng hóa tập trung có chất lượng, giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất đăng ký mã số vùng trồng; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trong và ngoài tỉnh kết nối, bao tiêu sản phẩm.
Tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa chất lượng nhằm nâng cao giá trị sản xuất; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, nhất là khâu làm đất và gieo trồng, thu hoạch để giảm áp lực về lao động thời vụ, hạ giá thành sản phẩm; xây dựng mô hình sản xuất trồng trọt hữu cơ, VieGAP, sử dụng phân bón tiết kiệm…
Tổng giá trị vụ Mùa, vụ Đông đạt từ 2.800 - 3.000 tỷ đồng, tăng từ 3-5% so với cùng kỳ năm trước..
Xuân Nguyễn