Cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, người người, nhà nhà lại nô nức đi trẩy hội để cầu bình an, hạnh phúc. Đây được xem là nét đẹp văn hóa của người Việt, có ý nghĩa góp phần gìn giữ giá trị truyền thống của dân tộc, tạo sự gắn kết cộng đồng.
Nghi lễ được tái hiện tại Lễ hội Trâu rơm, bò rạ, xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường. Ảnh: Kim Ly
Luôn ghi nhớ câu ca dao “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng Ba”, nên hằng năm, gia đình anh Nguyễn Trung Kiên ở phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên đều dành thời gian trẩy hội đền Hùng.
Xuân Giáp Thìn 2024, anh Kiên không đợi đến chính hội mà đi du Xuân tại đền Hùng ngay từ ngày mùng 4 tháng Giêng. Dù đã nhiều năm đi trẩy hội đền Hùng, nhưng với anh được về với đất Tổ thiêng liêng luôn là một trải nghiệm đáng nhớ.
Anh Kiên cho biết: “Khi đi trẩy hội Xuân, tôi thấy rất vui mừng, phấn khởi. Quần thể di tích đền Hùng ngày càng được tu bổ, tôn tạo khang trang, sạch đẹp. Trong thời gian một ngày đi lễ và vãn cảnh tại đây, vợ chồng tôi và các con đã đến thắp hương, chiêm bái tại 4 đền chính của di tích; đồng thời, dành thời gian thưởng thức ẩm thực độc đáo, đặc sắc của tỉnh Phú Thọ. Không chỉ đi lễ đền Hùng, trong 3 tháng mùa Xuân, gia đình tôi còn dành thời gian tham quan, du Xuân tại nhiều lễ hội trong và ngoài tỉnh”.
Tại xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, Lễ hội Trâu rơm, bò rạ là lễ hội độc đáo, thể hiện đặc trưng văn hóa lúa nước của người dân đồng bằng châu thổ Sông Hồng được tổ chức vào ngày mùng 4 tháng Giêng hằng năm. Ngay từ sáng sớm, người dân và du khách gần xa đã tập trung tại khu vực miếu Đồng Vệ để đón xem các nghi lễ.
Bà Nguyễn Thị Xuân, thôn 4, xã Đại Đồng cho biết: “Lễ hội Trâu rơm, bò rạ là niềm tự hào của người dân quê tôi, là nét văn hóa đặc sắc được phục dựng và lưu giữ đến ngày nay. Hòa mình vào không khí tưng bừng của lễ hội, tôi cầu mong một năm mới với nhiều niềm vui, hạnh phúc, mùa màng bội thu, kinh tế phát triển, mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi, nảy nở”.
Đông đảo người dân xem hội Kéo Song, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên. Ảnh: Kim Ly
Được xem là lễ hội Xuân có quy mô lớn nhất của tỉnh, hằng năm, Lễ hội Tây Thiên được tổ chức vào ngày 15 tháng 2 âm lịch nhằm tưởng nhớ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu, người đã có công lớn trong việc giúp vua Hùng mở mang bờ cõi, dạy dân trồng lúa nước, chiêu mộ quân sĩ, củng cố vương triều.
Hiện nay, dù chưa đến chính hội, nhưng du khách gần xa đã đổ về Khu danh thắng Tây Thiên để thưởng ngoạn cảnh đẹp, chiêm bái lễ Phật, lễ Mẫu và tìm hiểu các tín ngưỡng văn hóa truyền thống.
Anh Mai Minh Thắng, du khách quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đi du Xuân tại Khu danh thắng Tây Thiên. Khi đến đây, tôi không chỉ ấn tượng với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, trăm hoa đua nở mà còn ấn tượng với các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Trong chuyến đi này, tôi được thưởng thức nhiều món ăn ngon của vùng đất Tam Đảo và chọn mua các sản vật đặc trưng của địa phương về làm quà cho người thân trong gia đình”.
Nhằm tạo ấn tượng đẹp với du khách, nâng cao chất lượng phục vụ, trong mùa lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024, Ban Quản lý cáp treo Tây Thiên thuộc Công ty cổ phần đầu tư Lạc Hồng đã tăng cường chỉnh trang cảnh quan, đảm bảo vệ sinh môi trường trong khuôn viên khu danh thắng.
Giám đốc Ban Quản lý cáp treo Tây Thiên Đặng Thị Thu Trang cho biết: “Để tạo không gian đẹp cho các khu vực được giao quản lý, đơn vị đã trồng các loại hoa bản địa như đỗ quyên, hải đường, hoa sim… và trang trí cảnh quan, bố trí thêm một số điểm để du khách có thể check-in tại khu vực nhà gas đi và nhà gas đến của cáp treo.
Đồng thời, bố trí thêm các thùng rác, tăng cường công tác vệ sinh môi trường để tạo không gian xanh - sạch - đẹp; tăng 30% nhân lực phục vụ. Đối với hệ thống cáp treo, ngay từ trước Tết, đơn vị đã tiến hành duy tu, bảo dưỡng nhằm nâng công suất phục vụ, đảm bảo tăng tốc độ vận hành từ 4m/s lên 6m/s với công suất tối đa chuyên chở 2.500 khách/giờ. Cùng với dịch vụ xe điện, cáp treo, đơn vị cũng cung cấp dịch vụ ẩm thực tại nhà hàng trong khuôn viên khu vực đền Thượng với nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng để phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách”.
Tại nhiều lễ hội Xuân hiện nay, cùng với các nghi thức, nghi lễ truyền thống, các địa phương còn kết hợp tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật để thu hút du khách. Đồng thời, trong niềm vui Xuân mới, nhiều chương trình ca múa nhạc độc đáo do các diễn viên, nghệ sĩ Nhà hát nghệ thuật tỉnh biểu diễn cũng được tổ chức ở nhiều huyện, thành phố để nâng cao giá trị đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Quỳnh Hương