Qua ‘Mùa hè không tên’ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, câu chuyện về một làng quê và những đứa trẻ đi từ hồn nhiên đến khi biết rằng mình phải trưởng thành đã được khắc họa một cách ấn tượng.
Miền thơ ấu
Xoay quanh nhân vật chính là cậu bé Khang sắp lên lớp 5, Mùa hè không tên của Nguyễn Nhật Ánh vẫn là những câu chuyện nhỏ giữa các cô cậu bé lớn lên trong vùng nông thôn thanh bình tương đối quen thuộc. Đó là Túc, là Nhàn – những đứa trẻ sớm hiểu chuyện khi phải sống trong tình cảnh khó khăn, gia đình ly tán. Đó cũng là Hội, là Chỉnh, là Đính tuy đã đủ đầy và sung túc hơn, nhưng cũng ẩn chứa những nỗi niềm riêng, không dễ tỏ bày…
Tác giả như người kể chuyện đơn phương, lặng lẽ quan sát và nhặt nhạnh lại những mẫu số phận mình từng dự phần
Như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói: “Cuốn sách này như khám phá lại, khai quật lại các vỉa tầng khác của ký ức, mở rộng thêm nữa chiều kích không gian để gửi đi những thông điệp sẽ được truyền tải qua các tình tiết trong truyện". Qua Mùa hè không tên, tác giả muốn thêu lên một bức tranh về làng quê thời nhỏ của mình, mà mỗi nhân vật, mỗi số phận trong đó là một sợi chỉ màu của bức tranh thêu. Do đó không quá bất ngờ khi những địa danh như làng Đo Đo, Quán Gò, Cẩm Lũ, Hà Lam… thêm lần nữa có dịp trở lại.
Phát triển theo hướng coming-of-age (từng bước trưởng thành), Mùa hè không tên vẫn sẽ cuốn hút độc giả bằng sự thơ ngây và đầy hồn nhiên của các nhân vật, thông qua giọng văn hóm hỉnh, ngôn từ giản đơn. Có lúc những đứa trẻ ấy khiến ta phì cười như việc quyết định yêu thương ai đó bởi được cho phần quà lớn hơn, hay việc ghen tuông ai thích bạn này bạn kia nhiều hơn… Nhưng cũng có khi là những nỗi buồn vô cớ, nơi dư vị lắng đọng gần như mặn chát nhờ những quan sát mà cũng từ đó đứa trẻ trưởng thành…
Theo đường dây ấy, ông đã mổ xẻ rất nhiều phức cảm, để thấy tuổi thơ sẽ phải trôi qua còn con người ta thì sẽ phải lớn. Chẳng hạn khi cậu bé Khang thích chơi với Nhàn, ban đầu cậu chỉ tưởng đó vì những thức quà cô chia cho cậu, thế nhưng sau này cậu dần nhận ra “vì so với tôi, nó bất hạnh hơn nhiều. Lủi thủi suốt ngày với ngoại, không biết ba mẹ bỏ đi đâu”. Đó cũng là khi cậu buộc phải lớn: “Tôi muốn tôi mãi mãi là cậu bé hồn nhiên, vô tư lự. Tôi không muốn bụi bặm cuộc đời làm cay mắt tôi”…
Một trong nhiều điểm thành công của Nguyễn Nhật Ánh vẫn nằm trong cách xây dựng hình tượng nhân vật. Ở đó có sự hồn nhiên và trong tâm thế luôn luôn đón nhận những gì sẽ đến. Có lẽ chính tính cách mà ai cũng một lần từng sở hữu này khiến cho tác phẩm đến gần với nhiều người đọc, và ta sẽ thấy bản thân mình ở đâu đó. Tác giả như người kể chuyện đơn phương, lặng lẽ quan sát và nhặt nhạnh lại những mẫu số phận mình từng dự phần.
Ngoài điều đó ra ông cũng biết cách khiến cho câu chuyện trở nên hấp dẫn, như việc dùng thêm ngôn ngữ kiếm hiệp mà vào thời đó từng rất thịnh hành, hay việc sử dụng các hình tượng đẹp, mang tính biểu tượng như nhành trứng cá ở phía cuối sách… Ông cũng nhiều lần thay thế văn xuôi bằng các dòng thơ mà mình viết ra, chúng mang nhạc điệu và giúp tác phẩm trở nên thật sự nhẹ nhàng.
Cảm thức hoài niệm
Nếu làng Đo Đo trong Mắt biếc chỉ là bối cảnh cho câu chuyện tình giữa Ngạn và Hà Lan, thì trong Mùa hè không tên, đó sẽ còn là mảnh đất của nhiều thân phận với các lựa chọn dẫn họ tới tương lai khác nhau. Ở đó không chỉ đơn thuần có những đứa trẻ, mà còn cha mẹ, ông bà cũng như họ hàng của chúng, khi mỗi một người lại mang theo mình những câu chuyện riêng không thể đoán trước.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ký tặng độc giả
Đó là rất nhiều cảnh đời thiếu thốn mà con cái và cha mẹ phải xa cách nhau. Có người đi mãi không thấy quay về, có người biệt tăm rồi lại thấy nhau một cách tình cờ. Đó cũng còn là những mối tình mà “theo tình tình chạy, trốn tình tình theo”... Song, trong những trang viết của Nguyễn Nhật Ánh, chúng không bi kịch và quá đớn đau. Như một “hiệp sĩ của tuổi thơ”, ông giảm nhẹ nó một cách bất ngờ, vẫn có những sự chua chát khi mà số phận không thể gặp nhau, thế nhưng nhân vật của ông chấp nhận điều đó, để khiến bản thân thật mạnh mẽ hơn.
Vì thế đây là tác phẩm không chỉ dành cho trẻ em, mà còn cho cả những ai từng là trẻ con. Qua lăng kính hồn nhiên, ta thấy những chuyện mất mát, chia ly bỗng chốc nhẹ lại, nhưng cũng từ đó tạo được sức tác động lớn, khi những đứa trẻ cũng chính là người chịu những sang chấn nói trên. Đó là quyền năng mà Nguyễn Nhật Ánh đã tạo được ra ở sự đa nghĩa, khi vừa là câu chuyện có phần thực tế nhưng đồng thời mang tính răn đe, vừa mang tính chất giải trí nhưng cũng ẩn chứa thông điệp giáo dục thật sự mạnh mẽ…
Tác phẩm lần này cũng có 2 cái kết. Lần đầu tác giả dừng lại ở ngày 3.7.2023 nơi mà mùa hè năm ấy đã hoàn thành chu kỳ của mình, kéo theo cái kết tất nhiên ở thời điểm đó. Thế nhưng một tuần sau đó, ông quay trở lại để hoàn thành thêm cái kết thứ 2, vì thấy còn điều gì đó chưa thể hiện được.
Như ông tiếp lời trong cái kết sau: “Tôi muốn câu chuyện của tôi sẽ dừng lại mãi ở buổi chiều tôi buồn bã rời làng 15 năm về trước. Nhưng rồi không hiểu sao tôi vẫn thấy có nhiều điều vẫn muốn nói thêm. Giống như sau này lớn lên, tôi có dịp tỏ tình với người con gái tôi yêu; lời yêu đã nói ra rồi nhưng tôi luôn có cảm tưởng vẫn chưa trọn vẹn. Có sự thôi thúc nào đó buộc tôi nói tiếp câu thứ hai, rồi câu thứ ba… bất chấp những lời tỏ tình về sau có thể làm hỏng cảm xúc tuyệt vời của lần tỏ tình thứ nhất”.
Điều này có thể giải thích bởi một cảm thức nostalgia (hoài niệm) nào đó đã kịp xuất hiện, khi các ký ức chiếm giữ vị trí quan trọng trong cuộc đời ông, mà ông không muốn quãng thời gian ấy trở nên bẽ bàng và nhiều khắc khoải. Ông cũng chia sẻ: “Tôi muốn dựng lên một cái làng đúng như cái làng mình cảm nhận thời bé, với nhiều mảnh đời, nhiều tình tiết, nhiều thân phận. Trẻ con chơi với nhau thì sao, bố mẹ của trẻ con thì có hoàn cảnh như thế nào, và họ ứng xử với hoàn cảnh ra sao, tất nhiên là trên cơ sở tình người với nhau”.
Mùa hè không tên, có thể nói, là tác phẩm thành công tiếp theo của Nguyễn Nhật Ánh, với những đặc trưng đã rất quen thuộc trong phong cách riêng. Qua đó độc giả có được cơ hội nhìn lại bản thân thêm một lần nữa, cũng như hiểu rằng: “Tình yêu dành cho người thân bao giờ cũng giống nhau nên hiển nhiên chúng cũng sẽ giống nhau khi phản chiếu lên trang viết. Giống như máu trong tim bọn tôi vậy mà. Chúng đều là màu đỏ”.
Phương Hoa (Theo thanhnien.vn)