Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản là tác phẩm có giá trị lý luận và thực tiễn quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Những ý kiến chỉ đạo toàn diện của người đứng đầu Đảng ta về văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản đã mang lại thông điệp sâu sắc, là kim chỉ nam để xây dựng đời sống văn hóa trong thực tiễn cuộc sống.
Thành viên Câu lạc bộ hát chèo thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường) truyền dạy làn điệu chèo cho thế hệ trẻ. Ảnh Kim Ly
Trong cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn…”.
Với tầm nhìn sâu rộng và hệ giá trị nhân văn, tư tưởng sâu sắc, cuốn sách về văn hóa của Tổng Bí thư là cẩm nang quý báu giúp các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên triển khai hiệu quả công tác xây dựng, gìn giữ và phát triển nền văn hóa Việt Nam với các yếu tố truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập.
Từ đó tạo nguồn lực nội sinh và huy động sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, thịnh vượng.
Đặc biệt, trong phần 3 của cuốn sách với nội dung “Từ luận điểm văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thực tiễn cuộc sống” đã chọn lọc 32 bài viết, trả lời phỏng vấn của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong nghiên cứu, học tập và triển khai cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng và các ý kiến chỉ đạo của người đứng đầu Đảng ta tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.
Trong đó có một số bài viết nổi bật như “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách và phát huy nguồn lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam “Dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học”; “Khơi dậy và phát huy các nguồn tài nguyên văn hóa góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững ở nước ta hiện nay”; “Phát triển ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội”; “Thành phố mang tên Bác nỗ lực phát triển văn hóa và xây dựng con người phát triển toàn diện”…
Thời gian qua, tỉnh luôn chú trọng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương, dân tộc bằng nhiều giải pháp sáng tạo, phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Quan điểm của tỉnh là “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, hướng tới chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Xây dựng con người Vĩnh Phúc có những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, đồng thời phát huy các đặc điểm nổi trội: Tiên phong, sáng tạo, khát vọng, đổi mới…”.
Phát triển văn hóa là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, là động lực của sự phát triển bền vững. Nhân dân là chủ thể sáng tạo và thụ hưởng văn hóa; đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền, vai trò tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội cùng sự đồng lòng của nhân dân, công tác xây dựng nền văn hóa, phát huy tinh hoa, phẩm chất của con người trong thời kỳ mới, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân của tỉnh đã có bước tiến rõ rệt.
Vĩnh Phúc ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Thị trấn Tam Đảo 3 năm liên tiếp được vinh danh là thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới.
Năm 2024, tổng lượt khách du lịch đến Vĩnh Phúc ước tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Công suất sử dụng phòng đạt bình quân từ 50 - 55%. Tổng doanh thu du lịch đạt cao. Hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, tôn tạo.
Tỉnh đẩy mạnh triển khai giải pháp xây dựng môi trường, nếp sống văn hóa, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc; xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế.
Đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; chủ động giao lưu, hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, từng bước xây dựng ngành công nghiệp văn hóa.
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm tăng cường đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác các thiết chế văn hóa; phát triển mạng lưới lữ hành, đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch; xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa di sản văn hóa, số hóa dữ liệu về du lịch trên địa bàn tỉnh.
Chất lượng đời sống văn hóa tinh thần, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư ngày càng được nâng lên. Hằng năm, tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật phục vụ bà con vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, công nhân lao động trong các khu công nghiệp.
Quỳnh Hương