Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu: Đến năm 2030, xây dựng Vĩnh Phúc thành tỉnh công nghiệp phát triển, kết cấu hạ tầng KT - XH đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về nguồn vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng giao thông (HTGT) đường bộ, tạo động lực để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, du lịch, thương mại, thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh.
Dự án xây dựng cầu Vĩnh Phú nối 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ đang được đơn vị thi công gấp rút thi công, hoàn thiện để bàn giao, đưa vào sử dụng trong tháng 7/2023.
Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện về nguồn vốn đầu tư cho các công trình HTGT đường bộ; danh mục các dự án đầu tư được xây dựng bám sát các mục tiêu, định hướng, xác định cụ thể các dự án trọng điểm, có khả năng tạo động lực phát triển KT - XH và có sức lan tỏa lớn để ưu tiên đầu tư; các dự án được thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn, tạo điều kiện phân bổ vốn đầu tư tập trung, đầu tư dứt điểm, giảm thiểu tối đa việc thất thoát lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp.
Được biết, tổng nguồn vốn đầu tư công (ĐTC) trong giai đoạn 2021 - 2025 đã phân bổ cho các công trình, dự án do cấp tỉnh quản lý đạt 4.184 tỷ đồng. Riêng năm 2023, nguồn vốn phân bổ cho các công trình, dự án do cấp tỉnh quản lý đạt 1.615 tỷ đồng.
Trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn được HĐND tỉnh phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh, bổ sung, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định phê duyệt kế hoạch ĐTC hằng năm, phân bổ vốn đầu tư, xây dựng HTGT đường bộ trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo quán triệt, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về việc tổ chức thực hiện Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng…
Giao các sở, ngành chuyên môn đôn đốc các chủ đầu tư dự án và các đơn vị có liên quan tập trung thực hiện, đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành, đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cao chất lượng thi công công trình, đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, quản lý chi phí đầu tư và giải ngân vốn ĐTC...
Qua đó, góp khắc phục đầu tư dàn trải, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và theo thứ tự ưu tiên phù hợp với nhu cầu của từng ngành, lĩnh vực và địa phương.
Đến nay, ngoài các tuyến cao tốc, quốc lộ đi qua, toàn tỉnh hiện có 17 tuyến đường tỉnh; 5 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài theo quy hoạch 255 km, hiện đã và đang đầu tư xây dựng khoảng 191 km, còn lại khoảng 64 km đang được nghiên cứu đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2023 - 2025.
Nhiều công trình giao thông tầm vóc, quy mô đã và đang được đầu tư xây dựng, như xây dựng cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên; mở rộng trục Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ đường vành đai 2 thành phố Vĩnh Yên đến thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo; xây dựng cầu Vĩnh Phú qua sông Lô kết nối tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ; hạ tầng giao thông kết nối vùng Thủ đô trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; mở rộng đường trục trung tâm khu đô thị mới Mê Linh; mở rộng cầu Bì La…
Sau hơn 1 năm triển khai thi công, dự án xây dựng cầu Vĩnh Phú với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng đang được liên danh nhà thầu tập trung nhân lực, vật tư và phương tiện để thi công thảm mặt cầu, hoàn thiện lan can, điện chiếu sáng, vạch kẻ đường, biển báo…
Kỹ sư Cấn Việt Hùng, Giám đốc Ban điều hành dự án, đại diện liên danh nhà thầu cho biết: “Hiện, dự án đang được đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thiện các hạng mục còn lại, như: Thi công hoàn thành các khe co giãn, đấu nối thiết bị đối với hệ thống đèn trang trí; sơn, kẻ vạch đo mực nước tại các mố cầu… phấn đấu đưa công trình vào sử dụng trong tháng 7/2023, vượt tiến độ hợp đồng đã ký”.
Giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu vốn ĐTC cho các dự án HTGT đường bộ trên địa bàn tỉnh khoảng 23.260 tỷ đồng. Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn ngân sách thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tăng cường hơn nữa công tác giám sát đánh giá đầu tư dự án ĐTC theo quy định của pháp luật.
Các Sở Xây dựng, Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các cơ quan có liên quan rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo tính thống nhất giữa các quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành theo quy định.
UBND các huyện, thành phố nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, đề xuất danh mục dự án chuẩn bị đầu tư phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch có liên quan; bám sát các mục tiêu, định hướng của Đại hội Đảng bộ tỉnh; chương trình, nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.
Phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, đăng ký kế hoạch sử dụng đất hằng năm và đẩy nhanh công tác bồi thường, GPMB các dự án; ưu tiên thực hiện trước các dự án, công trình trọng điểm, công trình quan trọng, công trình thuộc hạ tầng khung đô thị. Thực hiện nghiêm công tác đấu thầu bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế…
Bài, ảnh: Ngọc Lan