Kỳ 2: Nghị quyết thuận lòng dân
Nghị quyết số 06, 08 của HĐND tỉnh về quy định cơ chế đặc thù và phê duyệt Đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM) như là “cẩm nang”, đòn bẩy, thúc đẩy, hỗ trợ các đơn vị, địa phương và cả người dân tổ chức xây dựng. Những quy định trong nghị quyết rất sát thực tế, tính khả thi cao, dễ thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và thuận lòng dân.
Các thành viên Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn huyện Tam Dương. Ảnh: Khánh Linh
Thôn Đông, xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường trước đây như bị “ngủ quên” bởi rất ít người biết đến, mặc dù nơi đây có di tích Đền Đá với bề dày lịch sử hơn 300 tuổi, có hồ nước bao quanh trông rất hữu tình. Nhưng kể từ khi thôn Đông được chọn xây dựng LVHKM như “đánh thức” tiềm năng, lợi thế vùng đất chiêm trũng, giàu bản sắc sau bao năm tháng như bị lãng quên. Không chỉ đường làng, ngõ xóm thôn Đông phong quang, sạch đẹp hẳn lên mà khu thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư xây dựng gần ngay di tích Đền Đá. Mặt khác, toàn bộ hồ Đền Đá được UBND huyện Vĩnh Tường phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, UBND xã Phú Đa trồng sen thử nghiệm. Mặc dù một số hạng mục, công trình khu thiết chế văn hóa, thể thao chưa hoàn thành nhưng đã đem lại kết quả tích cực. Ngay trong vụ sen đầu tiên, những bông sen hồng, sen trắng đua nhau khoe sắc, tỏa ngát hương thơm giữa cánh đồng bát ngát thẳng cánh cò bay không chỉ tạo nên bức tranh làng quê xanh, sạch, đẹp, yên bình mà còn thu hút nhiều bạn trẻ từ các huyện, thành phố khác đến tham quan, chụp ảnh, ghi hình; các cụ già, trẻ nhỏ có chỗ để đi dạo, vui chơi, thể dục, thể thao mỗi ngày. Cùng với trồng sen, xã Phú Đa đã đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, phát triển 10 ha mô hình lúa hữu cơ tại thôn Đông, mang lại mùa vàng bội thu với năng suất lúa đạt 250 kg/sào. Ngoài ra, một số mô hình như: Trồng bưởi, sản xuất rau an toàn, nghề cơ khí hộ gia đình cũng được địa phương nghiên cứu, đưa vào phát triển nhằm góp phần xây dựng LVHKM bền vững tại thôn Đông.
Vợ chồng anh Trần Trung Anh, thôn Thụ Ích, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc nhờ vào Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh đã được vay vốn ưu đãi để nuôi cá, phát triển kinh tế gia đình. Vì thôn Thụ Ích quê anh được chọn để xây dựng LVHKM nên có cơ chế đặc thù giúp người dân trong thôn vay vốn làm kinh tế. Trước đây, vẫn diện tích ao hồ đó, nhưng vì không có vốn đầu tư nên hiệu quả kinh tế rất hạn hẹp, bập bõm. Từ khi có cơ chế đặc thù của HĐND tỉnh, gia đình anh được vay 120 triệu đồng, anh đầu tư mua cá giống các loại như: Cá trắm, chép, rô phi đơn tính… Chỉ sau 8 tháng nuôi, gia đình thu hoạch bán được một đợt, mang lại thu nhập cao. Anh Trần Trung Anh chia sẻ, mô hình nuôi cá của gia đình tôi được chính quyền xã chọn là một trong những mô hình phát triển kinh tế trong LVHKM Thụ Ích và sẽ được hỗ trợ theo cơ chế của tỉnh nên vợ chồng tôi rất phấn khởi, yên tâm lao động, bởi đây là cơ hội để mở rộng diện tích nuôi cá và nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Với Hợp tác xã Chiến Thắng ở thôn Viên Du Hòa (thôn được lựa chọn xây dựng LVHKM), xã Thanh Vân, huyện Tam Dương thì Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh đã mở ra “chương mới” cho sự phát triển bền vững. Hợp tác xã Chiến Thắng có 37 thành viên là các hộ đang nuôi gà đẻ Ai Cập. Để tập trung phát triển kinh tế, xây dựng LVHKM, chính quyền xã đã tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi theo hướng hữu cơ để tạo nguồn trứng sạch, an toàn, thân thiện với môi trường; xây dựng thương hiệu trứng gà Ai Cập trắng đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP của địa phương, tạo tiền đề phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Đồng chí Bùi Hồng Đô, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, từ nay đến năm 2030, dự kiến tỉnh dành khoảng 2.610 tỷ đồng xây dựng 60 LVHKM, trong năm 2023 đã triển khai xây dựng 28 làng, đã hoàn thành toàn bộ các khu thiết chế văn hóa, thể thao. Còn những tiêu chí khác, các địa phương đang từng bước hoàn thiện. Mục tiêu để xây dựng những khu dân cư hiện đại, văn minh, sạch đẹp với các mô hình kinh tế và văn hóa đa dạng, giàu bản sắc. Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sẽ nhận được nhiều chương trình vay vốn ưu đãi, hỗ trợ theo Nghị quyết 06 của HĐND tỉnh, đơn cử như: Hỗ trợ 200 triệu đồng cho mỗi mô hình siêu thị mini mới có diện tích tối thiểu 200 m2; 100 triệu đồng đối với mô hình điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của địa phương với diện tích tối thiểu 100 m2; mỗi mô hình homestay mới xây dựng sẽ được tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng; 300 triệu đồng cho mô hình farmstay kết hợp trải nghiệm nông nghiệp. Người được hỗ trợ phải cam kết kinh doanh đúng dịch vụ đã đăng ký, thời gian phục vụ khách du lịch tối thiểu 60 tháng trở lên kể từ ngày nhận hỗ trợ. HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát chặt chẽ việc triển khai xây dựng LVHKM, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật và cơ chế đặc thù của tỉnh.
Đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng LVHKM tỉnh khẳng định: Rút kinh nghiệm từ chương trình xây dựng nông thôn mới và một số nhiệm vụ khác, lãnh đạo tỉnh rất trăn trở, suy nghĩ phải tìm ra cách làm mới, đột phá, do vậy cần phải có cơ chế đặc thù riêng cho việc xây dựng LVHKM. Các đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ này đã họp bàn rất kỹ, đồng thuận cao đưa ra những cơ chế đặc thù để các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện. Đây là việc làm mới, chưa có trong tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhưng tất cả vì lợi ích chung, vì cuộc sống và hạnh phúc của Nhân dân.
HOÀNG HANH - DUY TUẤN