Nghị định số 110 của Chính phủ về công tác xã hội (CTXH) được ban hành đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về CTXH, tạo bước tiến mới trong phát triển nghề CTXH và đảm bảo an sinh xã hội. Để nghị định sớm đi vào cuộc sống, tỉnh đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.
Trung tâm Công tác xã hội tỉnh là mái ấm của những hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Trà Hương
Theo thống kê, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 190.000 đối tượng, chiếm 17,5% dân số cần hỗ trợ, giúp đỡ, gồm các nhóm đối tượng như trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, gia đình thuộc hộ nghèo; hộ cận nghèo; người cao tuổi; nghiện ma túy; mại dâm; nhiễm HIV/AIDS; các đối tượng sống trong các gia đình có bạo hành, ly thân, ly hôn và các vấn đề xã hội khác. Đây là những nhóm đối tượng có nhu cầu rất lớn về trợ giúp xã hội, đòi hỏi cần có những hoạt động cung cấp dịch vụ xã hội và phúc lợi xã hội.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành liên quan, hoạt động CTXH của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực, các chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển nghề CTXH của tỉnh ngày càng toàn diện, bao trùm các lĩnh vực về nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc, y tế, phục hồi chức năng, hướng nghiệp, dạy nghề và các lĩnh vực của ngành LĐ-TB&XH.
Hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH đối với các đối tượng yếu thế từng bước được kiện toàn, mở rộng, cơ sở vật chất, điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng của hệ thống trợ giúp xã hội, cơ sở dịch vụ CTXH của tỉnh thường xuyên được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện cải thiện và nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc đối tượng.
Phương thức hoạt động của đa phần các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH được cải tiến, tăng cường kết nối với cộng đồng, gia đình trong cung cấp các dịch vụ CTXH cho đối tượng theo hướng dựa vào cộng đồng; chế độ chính sách chăm sóc nuôi dưỡng cho các đối tượng tại cơ sở trợ giúp xã hội được quan tâm.
Thực hiện Kế hoạch số 80 của UBND tỉnh về chương trình phát triển CTXH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, các sở, ban, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai.
Công tác tuyên truyền được các cơ quan báo chí, các ngành, địa phương của tỉnh đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về vai trò, vị trí của CTXH, nghề CTXH, cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH; khuyến khích xã hội hóa, tăng cường thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển CTXH, trợ giúp cho các đối tượng yếu thế.
Đội ngũ cán bộ, cộng tác viên CTXH được củng cố, tăng cường, hiện toàn tỉnh có hơn 2.000 cán bộ, nhân viên (từ cấp tỉnh, huyện đến cấp xã) hoạt động về nghề CTXH trong các ngành. Hằng năm, Sở LĐ-TB&XH tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho cán bộ làm CTXH các cấp.
Bác sĩ Bệnh viện Quân y 109 khám, tư vấn sức khỏe cho các đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên tại xã Yên Lập (Vĩnh Tường). Ảnh: Trà Hương
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110 về CTXH có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2024, quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của đối tượng CTXH; quyền và nghĩa vụ của người hành nghề CTXH; điều kiện đăng ký hành nghề CTXH; thực hành nghề CTXH; thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hành nghề CTXH.
Nghị định được ban hành đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về CTXH, làm cơ sở định hướng phát triển CTXH trong các ngành, lĩnh vực, tạo bước tiến mới trong CTXH và an sinh xã hội, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế và khu vực.
Nghị định số 110 xác định rõ đối tượng CTXH là những cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng có nhu cầu sử dụng dịch vụ CTXH. Các dịch vụ này nhằm hỗ trợ phòng ngừa, can thiệp, trị liệu, phục hồi và phát triển đối tượng, bảo đảm an sinh xã hội và tạo dựng hạnh phúc cho người dân; đảm bảo thực hiện quyền con người, tôn trọng nhân phẩm và duy trì các giá trị xã hội.
Để bảo đảm sự minh bạch, Nghị định số 110 quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động CTXH. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH công lập phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách Nhà nước trong từng thời kỳ; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH và tham gia cung cấp dịch vụ CTXH...
Với những quy định cụ thể, Nghị định số 110 được triển khai sẽ góp phần đảm bảo thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp của các đối tượng chính sách và nhóm người yếu thế, giảm thiểu những rào cản trong xã hội, sự bất công và bất bình đẳng; chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát triển dịch vụ CTXH; đẩy mạnh xã hội hóa đối với hoạt động CTXH, tăng khả năng tiếp cận của công dân đối với các dịch vụ CTXH và tham gia cung cấp dịch vụ CTXH.
Trên cơ sở Nghị định số 110, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục hoàn thiện và tổ chức triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về CTXH trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền về Nghị định số 110, các chính sách, văn bản của Trung ương, của tỉnh về CTXH để người dân biết và thụ hưởng chính sách một cách hiệu quả.
Tham mưu UBND tỉnh các giải pháp phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH trên địa bàn tỉnh; tăng cường rà soát, mở rộng tiêu chí tiếp nhận các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn không tự lo được cuộc sống được tiếp nhận vào chăm sóc tại cơ sở trợ giúp xã hội của Nhà nước.
Chú trọng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng để nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH; phối hợp với các trường đại học thực hiện việc liên kết đặt lớp đào tạo cử nhân CTXH cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh...
Lê Mơ