Xác định việc xây dựng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập, cùng với các cơ chế, chính sách "trải thảm đỏ" của tỉnh, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, tăng kỹ năng thực hành và xây dựng môi trường làm việc cùng chính sách đãi ngộ hấp dẫn, riêng biệt.
Mở rộng liên kết, hợp tác, cung ứng nguồn nhân lực
Đầu tháng 12/2024, Công ty cổ phần Công nghiệp Á Mỹ, Khu công nghiệp (KCN) Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (Lập Thạch) đã đón tiếp đoàn giảng viên đến từ Trường đại học Kiến trúc Hà Nội đến tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến các công đoạn sản xuất, trao đổi trực tiếp với các chuyên gia nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận với thực tế ngành nghề.
Theo đại diện công ty, chuyến tham quan mở ra những cơ hội hợp tác sâu rộng giữa đơn vị và Trường đại học Kiến trúc Hà Nội như: Thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học; tổ chức các cuộc thi, khóa đào tạo ngắn hạn; tạo điều kiện cho sinh viên thực tập và làm việc tại doanh nghiệp..., hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành kiến trúc Việt Nam.
Sau 9 năm xây dựng và phát triển, không chỉ sở hữu đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm và sáng tạo, Công ty cổ phần Công nghiệp Á Mỹ còn không ngừng đề ra các chính sách hấp dẫn như cơ hội đào tạo cùng chế độ lương thưởng, phúc lợi cạnh tranh nhằm chiêu mộ nhân tài.
Công ty tạo dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, hướng đến trở thành nhà sản xuất và cung ứng vật liệu xây dựng hàng đầu trong nước và trên thị trường quốc tế. Nhờ đó, năm 2024, công ty lần thứ 2 liên tiếp được vinh danh tại giải thưởng "Nơi làm việc tốt nhất châu Á", lọt Top 500 nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam...
Mới đây, học sinh lớp 10 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam đã được tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu về lĩnh vực phát triển công nghiệp tại Công ty cổ phần Tập đoàn CNCTech, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc (Bình Xuyên) để có định hướng rõ hơn về nghề nghiệp của mình sau này.
Công ty cổ phần Tập đoàn CNCTech, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc (Bình Xuyên) đã và đang xây dựng các chương trình đào tạo nhân lực sản xuất cho ngành bán dẫn, kết nối giữa chuyên gia nước ngoài, trường đại học và doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Lượng
Nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về Vĩnh Phúc làm việc cho các doanh nghiệp, nhà máy, các KCN trên địa bàn, đơn vị này đã liên kết với nhiều trường đại học, cao đẳng tổ chức những buổi trải nghiệm thực tế cho học sinh, sinh viên, giới thiệu về cơ hội việc làm tại tỉnh.
Đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao
Trên địa bàn tỉnh hiện có 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với năng lực tuyển sinh hằng năm là hơn 41 nghìn người/năm. Những năm gần đây, công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng đào tạo nghề ngày được nâng lên, chú trọng đào tạo các ngành nghề chất lượng cao.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chủ động liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức cho học sinh - sinh viên tham quan, tìm hiểu, thực hành, thực tập tại doanh nghiệp nhằm nâng cao kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp.
Nhờ đó, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh ngày càng nâng lên. Hết năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 81%, từng bước đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động ngành công nghiệp và dịch vụ.
Mặc dù có chuyển biến tích cực, song, công tác phối hợp trong đào tạo, tuyển dụng lao động giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm vẫn còn hạn chế làm phát sinh nhiều khoản chi phí.
Chất lượng của lao động, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ, kỹ năng thực hành của lao động sau học nghề còn yếu khiến doanh nghiệp vẫn mất nhiều chi phí để đào tạo lao động, nhất là đối với các lĩnh vực, ngành nghề đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao.
Hạ tầng, tiện ích xung quanh các khu công nghiệp của tỉnh chậm phát triển khiến doanh nghiệp khó thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc lâu dài. Điều này trở thành "rào cản" với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, vươn mình trong công cuộc chuyển đổi số, chuyển đổi sản xuất xanh, yêu cầu hội nhập quốc tế.
Tại sự kiện Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ 2, năm 2024 tổ chức vào tháng 12/2024, UBND tỉnh đã ký kết hợp tác với Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Tập đoàn FPT về phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại địa phương; hợp tác chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là cơ hội vàng để tỉnh sẵn sàng đón làn sóng đầu tư mới với nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng công nghệ số.
Nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng và phát triển các trường học chất lượng cao ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo; thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, những người làm công tác quản lý cấp trung và cấp cao ở nước ngoài, các địa phương khác đến làm việc tại tỉnh; tạo điều kiện cho người lao động có nhiều cơ hội học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, từng bước hình thành đội ngũ nhân lực lành nghề trong tất cả các ngành và lĩnh vực.
Về phía doanh nghiệp, cần xây dựng kế hoạch tuyển dụng, sử dụng lao động có trình độ theo ngành, nghề của đơn vị mình; có chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc hấp dẫn để "níu chân" nhân sự chất lượng cao; đồng thời, đẩy mạnh phối hợp giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp nâng cao chất lượng đào tạo với nhu cầu việc làm của đơn vị...
Lưu Nhung