Năm 2024, số lượng lao động được tạo việc làm mới trên địa bàn huyện Lập Thạch vượt 9% kế hoạch, tăng 33% so với năm 2023; thu nhập bình quân đầu người tăng 4,2 triệu đồng; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 0,6%… Những kết quả nổi bật cho thấy hiệu quả công tác giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện thời gian qua, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Xác định công tác giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững đóng vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, huyện Lập Thạch chỉ đạo triển khai đồng bộ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, tích cực tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động, phát huy tốt vai trò “cầu nối” giữa doanh nghiệp và lao động địa phương.
Công ty TNHH MTV Giầy Lập Thạch hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương với thu nhập ổn định. Ảnh: Chu Kiều
Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Lập Thạch Đỗ Thị Hòa cho biết: “Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo trên địa bàn huyện được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, chỉ đạo triển khai đồng bộ, hiệu quả. Cơ chế, chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm của Trung ương và tỉnh được Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cập nhật thường xuyên, phối hợp với Đài Truyền thanh các cấp phát trên loa truyền thanh vào mục thời sự hằng ngày tại các xã, thị trấn.
Bên cạnh đó, đơn vị tích cực phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn nắm bắt thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng, làm cơ sở tổ chức các hoạt động đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm tại các địa phương.
Thông qua công tác tuyên truyền, các hoạt động đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, nhận thức của các cấp, ngành, đoàn thể và nhân dân về giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Là địa phương có tỉ lệ người dân trong độ tuổi lao động cao của huyện Lập Thạch, xã Thái Hòa hiện có hơn 1.000 thanh niên trong độ tuổi lao động, trong đó có hơn 90% thanh niên có việc làm ổn định.
Bí thư Đoàn Thanh niên xã Thái Hòa Nguyễn Văn Huy cho biết: “Xác định thanh niên là lực lượng lao động nòng cốt, Hội Liên hiệp Thanh niên xã tích cực vận động thanh niên tham gia các chương trình đào tạo lao động, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm của huyện.
Năm 2024, Hội Liên hiệp Thanh niên xã đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 300 đoàn viên thanh niên; tạo điều kiện vay vốn giải quyết việc làm cho thanh niên từ Ngân hàng Chính sách xã hội với dư nợ đến nay đạt hơn 5 tỷ đồng.
Theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Lập Thạch, năm 2024, toàn huyện giải quyết việc làm mới cho gần 2.400 lao động, vượt 9% so với kế hoạch, tăng 33% so với cùng kỳ; đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, đây là năm đầu tiên huyện Lập Thạch vượt chỉ tiêu kế hoạch về tỉ lệ lao động xuất khẩu với 183 lao động.
Triển khai chính sách vay vốn giải quyết việc làm cho người lao động theo Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh, năm 2024, có hơn 450 lao động trên địa bàn huyện được vay vốn giải quyết việc làm với tổng dư nợ 30 tỷ đồng, trong đó cho vay xuất khẩu lao động gần 1,9 tỷ đồng.
Với việc triển khai hiệu quả công tác giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, năm 2024, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Lập Thạch đạt 62,5 triệu đồng, tăng 4,2 triệu đồng so với năm 2023; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 0,6%, giảm 0,3% so với năm 2023.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết việc làm gắn với giảm nghèo bền vững, huyện Lập Thạch tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc triển khai hiệu quả chủ trương, chính sách, các chương trình về phát triển kinh tế gắn với giải quyết việc làm của Trung ương và tỉnh.
Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút doanh nghiệp với mục tiêu tạo thêm nhiều việc làm trong các ngành có năng suất lao động cao; nâng cao hiệu quả công tác định hướng, giáo dục nghề nghiệp, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Giao Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội tích cực phối hợp với các ngành, địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên cập nhật, nắm bắt thị trường lao động, tích cực triển khai các hoạt động đào tạo nghề, hướng nghiệp, kết nối cung - cầu lao động.
Hoàng Sơn