Với những tiểu thương kinh doanh theo phương thức truyền thống, chưa bao giờ việc buôn bán lại khó khăn như hiện nay. Sự canh tranh áp đảo của kinh doanh online khiến nhiều tiểu thương không trụ vững, buộc phải đóng cửa, trả lại mặt bằng đi thuê. Hoạt động kinh doanh trầm lắng khiến mặt bằng “vàng” cho thuê ế ẩm, kể cả tại những tuyến phố trung tâm, có vị thế đắc địa.
Nhiều cửa hàng mặt phố treo biển "cho thuê"
Mặc dù cố gắng cầm cự, nhưng cuối cùng, chủ cửa hàng P.P.T.A, đường Ngô Quyền, phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên vẫn phải ngậm ngùi đóng cửa, trả lại mặt bằng kinh doanh do buôn bán ế ẩm.
Trong suốt gần 2 năm thuê cửa hàng, đã nhiều lần chủ cửa hàng P.P.T.A có ý định bỏ cuộc kinh doanh, nhưng do tiếc mặt bằng đẹp (nằm đối diện cổng chợ Vĩnh Yên) nên cố gắng xoay xở bằng cách bán thêm nhiều mặt hàng song vẫn rơi vào tình trạng thu không đủ chi.
Việc phải đóng cửa hàng, trả mặt bằng kinh doanh trong thời điểm gần Tết Nguyên đán 2025 là việc làm bất đắc dĩ, không ai mong muốn nhưng nếu kéo dài đồng nghĩa với việc tài chính bị âm.
Một cửa hàng có mặt tiền rộng, thoáng trên tuyến đường Ngô Quyền, phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên treo biển cho thuê nhà hàng tháng nay.
Theo chủ cửa hàng P.P.T.A, mỗi tháng tiền thuê cửa hàng, chi phí điện nước, nhân viên bán hàng gần 20 triệu đồng, trong khi có thời điểm 2-3 ngày hàng hóa không bán được. Việc kinh doanh thua lỗ kéo dài buộc tiểu thương phải chuyển đổi phương án kinh doanh để tránh thiệt hại kinh tế.
Kinh tế suy thoái, buôn bán khó khăn là một trong những nguyên nhân khiến nhiều cửa hàng phải giải thể, đóng cửa trong thời gian qua. Theo phản ánh của các tiểu thương, ngay cả trong thời điểm dịch Covid-19, tình hình kinh doanh cũng không khó khăn như những năm gần đây. Do không đảm bảo khả năng tài chính duy trì hoạt động, nhiều tiểu thương chấp nhận thu hẹp quy mô kinh doanh, thậm chí đóng cửa hàng, trả lại mặt bằng.
Theo ghi nhận, tại thành phố Vĩnh Yên, trên các tuyến phố trung tâm ở phường Ngô Quyền, Đống Đa, Tích Sơn, Đồng Tâm… xuất hiện nhiều cửa hàng treo biển cho thuê.
Đáng chú ý, hầu hết các cửa hàng đều nằm ở vị trí đẹp, sầm uất, thậm chí đối diện hoặc gần chợ Vĩnh Yên, chợ Đồng Tâm. Dù những tấm biển "cho thuê nhà" được treo đã lâu nhưng không có khách hỏi thăm cho thấy tình hình kinh tế ảm đạm khiến tiểu thương phải thận trọng, cân nhắc việc thuê mặt bằng để kinh doanh.
Mất ăn, mất ngủ vì không cho thuê được nhà
Không chỉ các tiểu thương, ngay cả người cho thuê mặt bằng cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn do mất nguồn thu nhập hàng tháng.
Bà N.T.T, phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Năm nay vợ chồng tôi hơn 60 tuổi, vì không có lương hưu nên thu nhập phụ thuộc hoàn toàn vào tiền cho thuê nhà (cửa hàng). Trước đây, mỗi khi tôi treo biển “cho thuê nhà”, chỉ vài ngày là có khách đến hỏi, làm hợp đồng thuê nhà. Nhưng hiện đã gần 1 tháng chưa có người hỏi thuê dù chỉ còn hơn 2 tháng nữa là Tết Nguyên đán. Với giá cho thuê khoảng 10 triệu đồng/tháng, mỗi ngày cửa hàng không có khách thuê là tôi mất hơn 300.000 đồng.
Cửa hàng nằm đối diện cổng chợ Vĩnh Yên cũng không còn sự hấp dẫn đối với tiểu thương bởi việc kinh doanh thời điểm này rất khó khăn.
Cũng theo chia sẻ của bà T, sốt ruột, lo lắng vì không có nguồn thu khiến bà suy nghĩ đến mất ăn, mất ngủ. Nhiều hôm gần 4h sáng bà đã dậy mở cửa quét sân cho khuây khỏa, mong sớm có người đến hỏi thuê cửa hàng để gia đình có thu nhập, ổn định cuộc sống”.
Hay bà N.T.Y, đường Nguyễn Viết Xuân, phường Đống Đa cũng cho biết: “Gần 1 năm nay nhà tôi chưa cho thuê được cửa hàng, đồng nghĩa với việc mất gần 100 triệu đồng. Qua đó thấy rằng việc kinh doanh thời điểm này rất khó khăn, dù giá thuê nhà tôi đã điều chỉnh giảm so với trước. Đây là thực trạng chung đối với nhiều gia đình có mặt bằng cho thuê do tình hình suy thoái kinh tế”.
Đối với người dân có mặt bằng cho thuê chứng kiến không ít việc khách hàng ký hợp đồng thuê nhà, tưng bừng tổ chức khai trương, nhưng chỉ sau 6 hoặc 12 tháng lại phải chấm dứt hợp đồng trước thời hạn do kinh doanh ế ẩm.
Bà N.T.T, một hộ kinh doanh ở đường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Gia đình tôi có nhà mặt phố, kinh doanh ế ẩm còn thấy sốt ruột, vèo cái là hết tháng, huống chi người phải đi thuê mặt bằng. Thực tế, ở tuyến phố này đang có nhiều nhà treo biển cho thuê, ai đến thuê cũng chỉ được một thời gian ngắn là bỏ cuộc vì kinh doanh khó khăn".
Ảnh hưởng đến việc thu thuế
Theo thông tin từ Đội thuế Ngô Quyền - Đống Đa - Chợ (Chi cục thuế thành phố Vĩnh Yên), hiện Đội thuế đang quản lý khoảng 900 khách hàng là tiểu thương ở 2 phường Đống Đa, Ngô Quyền và chợ Vĩnh Yên.
Kinh tế suy thoái ảnh hưởng đến việc buôn bán của tiểu thương cũng như việc thu thuế của đơn vị. Trung bình, dự toán thuế của Đội thuế Ngô Quyền - Đống Đa - Chợ là hơn 9 tỷ đồng/năm, nhưng số thu của đơn vị đạt thấp do việc thu thuế gặp nhiều khó khăn. Tình hình kinh doanh, buôn bán ế ẩm của tiểu thương đã có những tác động trực tiếp đến tiến độ, kế hoạch thu thuế của đơn vị.
Theo đó, mỗi năm có hàng chục hộ xin tạm dừng kinh doanh do buôn bán ế ẩm. Nhiều ki ốt đóng cửa nên đơn vị không thu thuế được; có trường hợp tiểu thương thuê cửa hàng kinh doanh được 2-3 tháng, thực hiện kê khai thuế 1-2 lần, sau bỏ không kê khai do đóng cửa hàng, chuyển chỗ kinh doanh...
Dự báo, tình hình kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn. Nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển, thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ, trong đó có gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí…
Đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa; thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước cũng như nền kinh tế.
Tuy nhiên, các tiểu thương cũng cần có sự năng động, sáng tạo trong kinh doanh, đặc biệt là phải linh hoạt, thích ứng với chuyển đổi số để nâng cao doanh thu bán hàng, thúc đẩy sản xuất, giúp nền kinh tế khởi sắc.
Bài, ảnh: Hà Trần