Theo dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, các công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy, chữa cháy sau khi tổ chức nghiệm thu phải được cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, và chỉ được đưa vào khai thác, sử dụng sau khi được cơ quan quản lý chuyên ngành chấp thuận kết quả nghiệm thu.
Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Long trình bày tờ trình về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. (Ảnh: DUY LINH)
Tăng cường quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 33, sáng 14/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Trình bày tờ trình, Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Long cho biết, trong thời gian qua, tình hình cháy, nổ còn diễn biến phức tạp, nhất là tại các thành phố lớn, các khu đô thị tập trung đông dân cư với nhiều loại hình cơ sở mới xuất hiện đã và đang gây ra những thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, đời sống xã hội, môi trường ổn định để phát triển kinh tế, xã hội…
Thực tế này đòi hỏi cấp thiết phải tăng cường các giải pháp, biện pháp, yêu cầu để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy hiện hành là để kịp thời tạo cơ sở pháp lý nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trong thực tiễn.
Mặt khác, qua giám sát tối cao của Quốc hội về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014-2018” đã chỉ ra một số hạn chế, bất cập mà đến nay chưa được khắc phục triệt để như: trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy; việc đảm bảo an toàn trong sử dụng điện; việc xây dựng lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành, phòng cháy, chữa cháy cơ sở và dân phòng; việc tổ chức phòng cháy, chữa cháy tình nguyện...
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Việc xây dựng, ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là cần thiết để khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập nêu trên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới.
Dự thảo Luật gồm 9 chương, 65 điều quy định về xây dựng, bố trí lực lượng, nhiệm vụ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phương tiện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; bảo đảm điều kiện cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ...
Quy định cụ thể hơn các điều kiện an toàn về phòng cháy đối với cơ sở
So với quy định tại Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2013, dự thảo Luật bổ sung thêm một số hành vi bị cấm trong phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Cụ thể như: xúc phạm, đe dọa lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thực hiện nhiệm vụ; lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; báo tai nạn, sự cố giả; chế tạo, hoán cải phương tiện giao thông thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy và chữa cháy khi chưa có văn bản thẩm định; đưa phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy, chữa cháy vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu...
Ngoài ra, dự thảo Luật bổ sung quy định về nghiệm thu, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, yêu cầu công trình, phương tiện giao thông cơ giới thuộc diện phải thẩm định thiết kế về phòng cháy, chữa cháy sau khi tổ chức nghiệm thu phải được cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm tra công tác nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Đặc biệt, doanh nghiệp chỉ được phép đưa hạng mục công trình, phương tiện giao thông cơ giới đã được xây dựng hoàn thành vào khai thác, sử dụng sau khi được cơ quan quản lý chuyên ngành chấp thuận kết quả nghiệm thu.
Cũng theo Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Long, dự thảo Luật quy định cụ thể hơn trách nhiệm, yêu cầu trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và nâng cao hơn nữa yêu cầu, trách nhiệm trong việc quản lý, cung ứng, sử dụng điện và thiết bị điện có liên quan đến cháy, nổ.
Theo đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, hoạt động thương mại, làm việc, công trình phải bảo đảm điều kiện an toàn phòng cháy, gồm: Thực hiện và duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các chất cháy, chất nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt; kiểm tra phát hiện sơ hở, thiếu sót, vi phạm về phòng cháy và có biện pháp khắc phục kịp thời; có quy định, nội quy về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Đồng thời, bảo đảm an toàn phòng cháy đối với từng loại hình cơ sở theo quy định, cụ thể: có phương tiện, hệ thống phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; hệ thống kỹ thuật; hệ thống thông tin liên lạc; hệ thống truyền tin báo cháy, sự cố, hệ thống cập nhật, khai báo cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; giải pháp ngăn cháy, chống khói, thoát nạn đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Xuân Hòa (Theo Nhandan.vn)